MOMA là bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới, việc một nghệ sĩ Việt Nam có tác phẩm ở đây là bước tiến quan trọng của nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hoà nhập văn hoá thế giới. Nhưng có thật là nghệ thuật Việt Nam đủ nền tảng tạo bệ phóng cho nghệ sĩ trong nước vươn đến đẳng cấp ấy?
Hệ thống luật pháp trong hoạt động nghệ thuật, thị trường nghệ thuật và bảo tàng nghệ thuật đương đại là ba thứ căn bản chưa xuất hiện ở Việt Nam, khi mọi điều kiện khác để hình thành một nền nghệ thuật hiện đại đã có.
Luật pháp và thị trường: cần nhưng chưa đủ
Luật pháp ở nước ta phần lớn chỉ bao quát lĩnh vực hành chính, hoạt động sản xuất – kinh tế, kinh doanh thương mại và trị an xã hội. Cần chú ý rằng hoạt động văn hoá – bao gồm cả việc sáng tạo cá nhân đến tổ chức các chương trình cộng đồng, cũng tương tự như hoạt động kinh tế, vẫn cần một bộ luật điều phối và hành lang pháp lý xử phạt khi vi phạm. Giữa một nghệ sĩ sáng tạo và một người sao chép tác phẩm, ranh giới đó rất mù mờ và việc tranh cãi trở nên vô bổ, kể cả khi sai phạm rõ ràng cũng không có cơ chế xử phạt thoả đáng bởi chưa xuất hiện một bộ luật chuyên ngành. Cái giả và cái thật lẫn lộn, tạo ra những hiểu lầm lớn từ cộng đồng và vô hình chung hạ thấp giá trị của cả nền nghệ thuật Việt vốn nhiều tiềm năng.
Từ hệ thống luật pháp dẫn đến sự hình thành một thị trường nghệ thuật. Khi xác định hoạt động nghệ thuật là sân chơi của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, đương nhiên phải có luật chơi và cấp bậc. Khi hoạt động đó sinh ra lợi ích kinh tế cho người chơi thì thị trường sẽ hình thành một cách tất yếu. Thị trường là nơi giao dịch giữa nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật, định giá nghệ thuật, tạo ra nền thương mại hợp pháp và có đóng thuế. Giá trị của nghệ sĩ chính là giá trị của tác phẩm và phần trăm của thuế bán tác phẩm góp vào ngân sách nhà nước. Phần đóng góp đó càng lớn thì nghệ thuật của người đó càng có giá trị, giá trị ở đây chính là tính kinh tế và đóng góp về vật chất của nghệ sĩ với xã hội. Thị trường cũng góp phần nâng cao giá trị của nghệ thuật và nghệ sĩ khi nhà nước đóng vai trò điều tiết và định giá chuẩn đối với những nghệ sĩ và tác phẩm thành danh, với sự góp sức của một uỷ ban phê bình độc lập, sau đó giá sẽ do thị trường tự điều tiết bằng cơ chế cung cầu. Luật và thị trường bổ sung chặt chẽ cho nhau khi thị trường là nguồn kinh tế và xác định địa vị xã hội của nghệ sĩ, còn luật là thước đo và cán cân giúp thị trường hoạt động ổn định.
Như tên lửa không bệ phóng
Bảo tàng nghệ thuật đương đại là một thành tố nền tảng khác của văn hoá nghệ thuật, khi muốn xây dựng nền văn hoá. Chúng ta có bảo tàng Mỹ thuật nhưng phần lớn chỉ lưu giữ các tác phẩm từ trường Mỹ thuật Đông Dương đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, sau đó gần như là một khoảng trắng khi hội hoạ Đổi mới là giai đoạn đặc sắc bậc nhất của nghệ thuật hiện đại thì thất thoát hết ra nước ngoài, và chắc chắn sẽ không thể sưu tập thêm gì với cơ chế hoạt động như hiện nay.
Các loại hình nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và video art cũng chưa được lưu giữ, và trong hơn 20 năm gần đây, sáng tạo của nghệ sĩ rất nhiều nhưng phần lớn trôi tuột qua các gallery sang trời tây. Cần xác định rằng bảo tàng là nơi lưu giữ các dấu ấn của nền văn hoá – văn minh đương đại, là cuốn sách lịch sử đương đại của dân tộc, và là công cụ giáo dục đại chúng tốt nhất. Đây còn là nơi vinh danh các nghệ sĩ và tác phẩm quan trọng của nghệ thuật đương thời, đặc biệt với trường hợp họ không có chỗ đứng trong thị trường nghệ thuật. Không có bảo tàng đồng nghĩa với việc sáng tạo nghệ thuật chưa được coi trọng xứng đáng, và người dân không có cơ hội hưởng thụ đời sống tinh thần từ chính dân tộc mình.
Việc xuất hiện một bảo tàng đương đại như vậy là cần thiết và ngay lập tức, đồng thời với việc kêu gọi nhiều nguồn lực từ các tổ chức tư nhân để xây dựng những hệ thống bảo tàng nhỏ hơn có tính vệ tinh và vùng miền. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore đều đã có thị trường tranh, hệ thống bảo tàng và những nhà tư bản dân tộc sưu tập nghệ thuật từ bản địa, nhưng tất cả những cơ chế đó dường như rất xa lạ với người Việt. Chúng ta có sự sáng tạo và thẩm mỹ hàng đầu Đông Nam Á, có lớp nghệ sĩ mới có khả năng giao lưu bằng ngoại ngữ và nghệ thuật với thế giới, nhưng nền tảng cho họ lại trống trơn như tên lửa không có bệ phóng, và ước mơ vươn ra thế giới vẫn xa vời như hình ảnh người nông dân bên cạnh chiếc máy bay trực thăng của Lê Quang Đỉnh vậy.
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (bìa trái), cùng giám tuyển bảo tàng MOMA và “người nông dân chế máy bay”Trần Quốc Hải Ảnh: TL