Các nhà bảo tồn cho biết, sự phát triển du lịch, mật độ xe cộ qua lại cùng mực nước ngày càng dâng cao, đang gây nên những mối nguy hại lớn chưa từng có cho thành phố Venice. Trước thực trạng đó các nhà bảo tồn đang làm việc không biết mệt mỏi để bảo vệ các báu vật của thành phố và khôi phục vẻ lộng lẫy vốn có của chúng.
Nước là “kẻ thù” chính
Tại nhà thờ St. Mark, công trình được xem là biểu tượng của thành phố, công việc tu bổ đã được tiến hành từ nhiều thập kỷ qua. Đây là nhà thờ chính của thành phố, được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm và đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
“Kẻ thù chính của nhà thờ St. Mark là nước” – ông Ettore Vio, kiến trúc sư đảm trách công việc tu bổ tại nhà thờ St. Mark, cho biết. “Mỗi năm nhà thờ hứng chịu tới 200 đợt thủy triều, do vậy tất cả các đồ gỗ hay đá đều bị ngấm nước”.
Một trong những đặc điểm nổi bật của nhà thờ là các hình khảm. Các bức tường, trần và bề mặt trong nhà thờ được trang trí bằng 8.000 m2 các bức khảm vô giá, làm bằng vàng và nhiều loại đá quý. Có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, các hình khảm mô tả các sự tích trong kinh Cựu ước và Tân ước cùng cuộc đời của nhiều vị thánh Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, nhiều hình khảm trong nhà thờ đã bị nước hủy hoại nghiêm trọng.
“Nước ngấm vào các đồ gỗ đều là nước biển” – ông Vio giải thích. “Khi kết tinh, lượng muối gia tăng. Gạch đã bị nứt nhiều và bị vỡ, do vậy những hình khảm trên gạch cũng bị bong ra”.
Thời gian này, ông Vio đang cùng 20 nhà phục chế, trong đó có 6 chuyên gia về khảm, đang xử lý những chỗ đã bị nước muối hủy hoại trong nhà thờ. Đằng sau nhà thờ, các nhà phục chế đang nghiên cứu hàng trăm viên đá khảm, nhiều viên đá có niên đại gần 1.000 năm tuổi. Họ nỗ lực bảo tồn từng viên đá nhỏ nhất.
Ông Guido, một trong những nhà phục chế làm việc trong nhà thờ, cho biết để mang lại dáng vẻ gốc cho mỗi m2 hình khảm, 2 nghệ nhân phải làm việc miệt mài trong gần 1 năm.
“Chúng tôi đã mất 7 năm để phục chế nơi rửa tội trong nhà thờ. Chúng tôi đã làm bề mặt của lối đi này hơn 5 năm rồi và có lẽ cũng phải mất 7 năm mới xong. Công việc này thì không thể vội vàng được” – ông Guido cho hay.
Ông Vio thực hiện công việc phục chế trong nhà thờ đã được 30 năm. Thời gian qua, ông và đội ngũ của mình đã tu bổ được nhiều nhà nguyện. Kiến trúc sư 76 tuổi này nói rằng công việc khó nhất của họ là tu bổ hầm mộ dưới ban thờ - nơi từng chôn cất di hài của Thánh Mark, vị thánh bảo trợ của Venice.
"Chúng tôi bơm nhựa thông vào các bức tường để bịt các lỗ có nước chảy qua, sau đó chúng tôi tu bổ hầm mộ bằng đá và xử lý làm sao để muối đọng lại ở đây càng ít càng tốt. Hầm mộ từng bị ngấm nước sau mỗi đợt thủy triều, nhưng giờ thì nước không thể ngấm vào được nữa. Đó là kết quả 10 năm lao động của chúng tôi” – ông Vio nói.
Công việc tu bổ còn dài
Tuy nhiên, công việc tu bổ ở thành phố này sẽ còn kéo dài bởi Venice vẫn liên tục hứng chịu các đợt thủy triều mới. Trong vòng 100 năm qua, Venice đã ngập sâu thêm khoảng 23cm. Các đợt thủy triều liên tục làm ngập các khu vực cũ và thấp của thành phố. Năm 2010, tình trạng ngập lụt ở Venice bị coi là tồi tệ nhất trong hơn 1 thế kỷ qua.
Ông Paolo Canestrelli, Giám đốc Trung tâm Giám sát và Dự báo Thủy triều ở Venice, cho biết: “Năm 2010, có hơn 200 đợt thủy triều tràn vào Quảng trường San Marco, trong đó có 16 đợt thủy triều cao 110cm, gây ngập phần lớn thành phố và 2 đợt cao 140cm, làm ngập lụt toàn bộ thành phố”.
Theo ông Canestrelli, mặc dù năm nay tình hình khá hơn nhưng mực nước biển vẫn tiếp tục tăng cao và phần lớn thành phố Venice vẫn không được bảo vệ, sớm nhất là đến năm 2015 các cửa cống mới sẵn sàng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi các cửa cống đó có thực sự ngăn được các đợt thủy triều tràn vào thành phố hay không?
Ảnh: Nhà thờ St. Mark, biểu tượng của thành phố Venice, đã bị hủy hoại nhiều do mỗi năm phải hứng chịu 200 đợt thủy triều.