1. Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL lần 1 tổ chức tại Tiền Giang.
Đây là một cuộc hội thảo lớn không chỉ có tiếng vang ở khu vực mà còn cả nước. Lần đầu tiên một cuộc hội thảo về văn xuôi ĐBSCL đã được tổ chức tại thành phố Mỹ Tho vào ngày 10/09/2004. Đến dự có gần 100 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật của trung ương và khu vực cùng đông đảo những người quan tâm đến tình hình văn xuôi ĐBSCL. Với 26 tham luận gửi về Ban tổ chức và 19 tham luận được chọn giới thiệu, Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL lần thứ 1 đã mạnh dạn nhìn nhận chất lượng cũng như tình hình sáng tác văn xuôi của ĐBSCL hiện nay từ đó thẳng thắn trao đổi, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hướng văn xuôi ĐBSCL phát triển đến một tầm cao mới. Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lần thứ nhất đã diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và bổ ích. Nó đã tạo ra được bầu không khí văn học mới mẻ, kích thích các văn nghệ sĩ sáng tác, hứa hẹn cho việc văn xuôi ĐBSCL sẽ được nâng cao hơn nữa về chất cũng như về lượng trong những năm sắp tới.
2. Tổ chức nhiều trại sáng tác, đi thực tế; những buổi tọa đàm về văn học nghệ thuật.
Năm 2004, Hội VHNT Tiền Giang đã tổ chức thành công nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế, nhiều buổi tọa đàm về VHNT. Đây là một trong những hoạt động chuyên môn hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm VHNT, kích thích sáng tạo thu hút được rất đông hội viên tham gia.
Điển hình trong 3 ngày 12-13 và 14/11/2004, Phân hội Nhiếp ảnh đã tổ chức trại sáng tác ảnh nghệ thuật cho trên 50 trại viên của ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long dưới sự hướng dẫn của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh có uy tín như: Nguyễn Đặng, Thái Phiên, Duy Anh, Hoàng Quốc Tuấn… Trại kết thúc bằng cuộc triển lãm khá quy mô tại Nhà Triển lãm Tiền Giang để giới thiệu những tác phẩm thu hoạch sau trại.
Phân hội Văn thì có trại truyện ngắn khai mạc ngày 24/12/2004 dưới sự hướng dẫn của nhà văn Lê Văn Thảo. Trại truyện ngắn có 25 trại viên với 34 truyện ngắn gửi tham dự trại, tập hợp gần như đầy đủ những người viết văn tại Tiền Giang hiện nay. Trại truyện ngắn Tiền Giang được tổ chức vào cuối năm 2004 hứa hẹn cho nhiều truyện ngắn hay làm nguồn cho tuyển tập truyện ngắn dự định sẽ xuất bản vào 30-4-2005.
Góp vào những hoạt động sôi nổi này là buổi tọa đàm về “Thơ Đường luật” diễn ra vào ngày 09/10/2004. Khách mời của buổi tọa đàm là: Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp đến từ Trường ĐHSP Tp.HCM và nhà thơ Trần Quốc Toàn (Tạp chí Thế Giới Mới). Cuộc tọa đàm đã thu hút gần 100 thi hữu khắp nơi trong tỉnh về tham dự.
Về việc tổ chức đi thực tế sáng tác, năm 2004, Phân hội Nhiếp ảnh đã tổ chức hai chuyến đi thực tế sáng tác nhằm tạo điều kiện cho các anh chị hội viên săn ảnh đẹp. Đợt thứ nhất, điểm đến của các tác giả nhiếp ảnh là Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Ninh Thuận. Đợt thứ hai, 15 tác giả nhiếp ảnh đã đến thành phố Cà Mau, các vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ để tiếp tục săn ảnh. Nhiều bức ảnh đẹp, ấn tượng đã ra đời từ những chuyến đi này. Kế đến là đợt đi thực tế của các anh chị trong Phân hội Văn và CLB Sáng tác Trẻ đến với núi rừng Tây Nguyên vào cuối tháng 7/2004. Chuyến đi đã giúp các tác giả hiểu thêm về vùng đất, con người cùng những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Quy mô nhất có lẽ là chuyến đi thực tế tại Trà Vinh vào đầu tháng 11/2004 với 30 hội viên của 5 Phân hội trực thuộc. Trong 2 ngày, các anh chị văn nghệ sĩ Tiền Giang đã đến tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của tỉnh Trà Vinh; đồng thời cũng đã có buổi gặp gỡ, giao lưu thân mật với các anh chị văn nghệ sĩ Trà Vinh thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Phân hội Âm nhạc khép lại những hoạt động sôi nổi năm 2004 bằng trại sáng tác ca khúc với 19 trại viên là các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trong tỉnh. Trong chương trình trại, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trình bày về kinh nghiệm sáng tác, đặc biệt là kinh nghiệm phổ thơ; nhạc sĩ Hoàng Đạm trình bày việc phân tích tác phẩm âm nhạc.
3. Hoạt động của Nhà Triển lãm Tiền Giang
Nhà Triển lãm Tiền Giang được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 12/2003. Đây đã trở thành nơi để giới mỹ thuật trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nghề nghiệp cũng là nơi giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật đến với đông đảo công chúng. Qua hơn 1 năm hoạt động, Nhà Triển lãm Tiền Giang đã tổ chức được 9 cuộc triển lãm cá nhân, tập thể thu hút được sự quan tâm của nhiều người như: Triển lãm Mỹ thuật mừng xuân Giáp Thân 2004 với 98 tác phẩm của 24 họa sĩ Tiền Giang; Triển lãm Mỹ thuật chào mừng ngày 8/3 với 100 tác phẩm tranh tượng của 24 tác giả ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre; Triển lãm 50 tranh của họa sĩ Phúc An, triển lãm tranh thiếu nhi với gần 1.000 bức tranh của gần 300 em thiếu nhi được chọn trưng bày và giới thiệu, triển lãm tranh tượng chào mừng 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam với gần 80 tác phẩm,v.v… Sự ra đời của Nhà Triển lãm đánh dấu một bước phát triển mới của mỹ thuật Tiền Giang. Đây còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi khác của Hội.
4. Nhiều hoạt động biểu diễn, phối hợp tổ chức chương trình:
Phân hội Văn mở đầu cho hoạt động này bằng đêm thơ kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 2 vào đúng vào dịp rằm tháng Giêng Âm lịch với sự tham dự của đông đảo các tác giả cũng như công chúng yêu thơ. Đêm thơ này đã “mở màn” cho nhiều chương trình thơ khác như: Đêm thơ giới thiệu tuyển tập thơ Tiền Giang (ngày 29/7), đêm thơ giới thiệu tuyển tập thơ “Đi dọc Việt Nam” của tác giả Trần Đỗ Liêm (ngày 22/09). Các chương trình nói trên luôn thu hút được hàng trăm khán giả đến xem. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho sự trở lại của những đêm thơ từng được sự ủng hộ của rất đông đảo khán giả.
Hội VHNT Tiền Giang cũng đã kết hợp với Ban An toàn giao thông, tổ chức thành công cuộc thi Ký và mẩu chuyện về đề tài An toàn giao thông được phát động từ năm 2003 và tiến hành tổng kết trao giải vào tháng 1/2004. Cuộc thi đã nhận được 105 tác phẩm dự thi của 77 tác giả bao gồm các thể loại: ký, mẩu chuyện, phản ánh… Ban tổ chức đã trao giải cho 19 tác phẩm có chất lượng tốt. Qua cuộc thi nầy, trước hết đã nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mỗi tác giả, và từ các bài viết đã mang lại hiệu quả xã hội đối với công chúng.
Phân hội Sân khấu là một trong những phân hội chuyên ngành có nhiều hoạt động biểu diễn trong năm 2004, đặc biệt là việc phối hợp với Đài PTTH Tiền Giang thực hiện trên 30 chương trình ca cổ, kịch ngắn, chập cải lương phát sóng phục vụ rộng rãi quần chúng nhân dân. Đặc biệt là việc xây dựng chuyên mục “Chuyện làng - Chuyện phố” được phát định kỳ trên sóng đài PTTH Tiền Giang, thông qua các mẩu kịch ngắn để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội như: an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống ma túy, HIV-AIDS… được đông đảo bạn xem đài yêu thích đón xem. Ngoài ra, CLB Đờn ca Tài tử cũng đã có nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, CLB Đờn ca Tài tử đã phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin dàn dựng tiết mục tham gia Liên hoan đờn ca tài tử khu vực ĐBSCL tổ chức tại Long An mang về giải nhất toàn đoàn, 5 giải nhất và 2 giải nhì dành cho tiết mục đơn.
Năm 2005 cũng sẽ là một năm với nhiều hoạt động chiều rộng như thế khi những hoạt động liên kết phối hợp giữa Hội và các đơn vị mang lại hiệu quả tiếp tục được phát huy.
5. Sôi nổi với các hoạt động hỗ trợ sáng tạo và tổ chức giới thiệu công bố tác phẩm :
Năm 2004 bằng nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo VHNT của Thủ tướng Chính phủ, Hội VHNT Tiền Giang đã xây dựng Quy chế Hỗ trợ sáng tạo VHNT, thành lập các Hội đồng Chuyên môn, Hội đồng Nghệ thuật và đã xét hỗ trợ cho 14 tác giả có đề cương sáng tác tốt. Bên cạnh đó, Hội VHNT Tiền Giang cũng đã tài trợ xuất bản cho các tác giả, tạo điều kiện công bố tác phẩm, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Trong quý IV hàng loạt đầu sách đã được xuất bản như: tập truyện “Bông súng trắng” của tác giả Phương Nam, tập truyện “Điều không đơn giản” của tác giả Hoàng Thu Dung, tập thơ “Gọi xanh” của tác giả Võ Tấn Cường, tập thơ “Giai điệu phù sa” của tác giả Vũ Tuấn, tập trường ca “Hoa dại” của tác giả Lê Ái Siêm. Đây chính là những đứa con tinh thần được các tác giả chăm chút từ rất lâu nay được sự hỗ trợ của Hội VHNT Tiền Giang đã có điều kiện trình làng. Việc hỗ trợ sáng tác là một cú huých, một động lực để các văn nghệ sĩ Tiền Giang cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Năm 2005 tiếp tục hứa hẹn cho sự sôi động trong hoạt động sáng tác và giới thiệu tác phẩm từ nguồn tài trợ này.