1. Di chỉ này tọa lạc cách thủ đô Vienna 45 km về phía Đông, từng là một phần của thành phố La Mã Carnuntum phát triển thịnh vượng cách đây 1.700 năm - thành phố quân sự và thương mại chính của đế chế La Mã. Các nhà khảo cổ cho biết đây là trường luyện võ sĩ giác đấu đầu tiên được tìm thấy ở bên ngoài Italia.
Ngôi trường là một phần trong di chỉ Carnuntum rộng 10 km2, một điểm du lịch mỗi năm đón hàng ngàn khách tham quan. Di chỉ này bắt đầu được khai quật vào khoảng năm 1870, song các nhà khảo cổ mới “đào xới” được 0,5% diện tích ngôi trường, do những gì nằm dưới đất vẫn là một bí ẩn và quá trình tu bổ những dấu tích đã được khai quật rất công phu.
Ông Frank Humer, nhà khảo cổ thuộc Viện Ludwig-Boltzmann, cho biết: “Ở giữa vũ đài của ngôi trường vẫn có thể nhìn thấy chiếc cột trụ bằng gỗ mà các võ sĩ từng sử dụng trong quá trình luyện tập, coi đó như một đối thủ giả của họ”.
Xét về cấu trúc, trường luyện võ sĩ mới được phát lộ này có thể cạnh tranh được với trường luyện võ lớn nhất và nổi tiếng ở Roma - Ludus Magnus.
Qua những hình ảnh chụp bằng radar, nhóm khảo cổ nhận thấy ở giữa ngôi trường là một khán đài hình tròn có những chiếc ghế dài bằng gỗ, có một phòng luyện tập có sàn nhà ấm để các chiến binh có thể luyện tập ở đó trong những mùa Đông lạnh giá ở Trung Âu. Nơi đây còn có một khu tắm rộng, có các phòng làm việc và 40 phòng ngủ trông như xà lim dành cho các võ sĩ.
“Một trường luyện võ sĩ thường kết hợp yếu tố của một doanh trại và một nhà tù, được canh phòng an ninh cẩn mật. Các chiến binh thường là những người phạm tội, tù binh và nô lệ. Trường luyện này là nơi quyết định giá bán thị trường và số phận của các võ sĩ, nhưng cũng tạo cho họ một cơ hội nhỏ để sống sót, thành danh hoặc có thể được tự do. Nếu họ thành công, họ có cơ hội trở thành “siêu sao” - Roemisch- Germanisches Zentralmuseum, một trong những thiết chế tham gia và đánh giá phát hiện nêu trên, cho biết.
2. Carnuntum từng là thủ phủ của tỉnh La Mã Pannonia, thuộc địa phận nước Áo và phần lớn thuộc vùng Balkans ngày nay. Các chuyên gia cho biết, ngôi trường này được thành lập vào giữa thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên.
Các võ sĩ giác đấu La Mã - tiếng Latin là “gladius” có nghĩa là kiếm - thường đọ sức với nhau hoặc với các động vật hoang dã để tiêu khiển cho các hoàng đế và cả công chúng. Rất nhiều trong số họ được ngưỡng mộ vì tinh thần quả cảm và họ được tôn vinh trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, thậm chí thi hài họ còn được chôn cất trong những ngôi mộ được trang trí công phu, coi như một cách để tỏ lòng kính trọng.
Tuy nhiên, chỉ có một số ít người là tình nguyện trở thành các võ sĩ giác đấu, còn phần lớn là những người nô lệ phải chịu số phận bi đát là chết yểu hoặc chết một cách tang thương. Nhưng trước khi chết, ai cũng mong muốn cuối cùng họ sẽ có được những khoảnh khắc vinh quang bù cho máu và mồ hôi đã đổ ra.
Thông thường, kết thúc một ngày lăn lộn với cơ thể bầm dập và bụi bẩn, các võ sĩ được xả người trong nước ấm hoặc lạnh và những võ sĩ đã tốn hàng ngàn calorie để mua vui cho thiên hạ trong các cuộc đấu cũng được dự những bữa ăn thịnh soạn, có thịt và ngũ cốc.
Thời kỳ đỉnh điểm của các cuộc đấu đẫm máu là khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên và tiếp tục đến thế kỷ thứ 4. Thời điểm đó đạo Cơ đốc đã trở thành tôn giáo chính thức. Các cuộc đấu cuối cùng được biết đến diễn ra vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên.
Để đáp ứng được nhu cầu muốn được xem nhiều cuộc “tỷ thí” đẫm máu, riêng khu định cư Carnuntum đã có 2 võ đài: một dành cho lính La Mã và một dành cho công chúng, tọa lạc ngay cạnh trường luyện võ sĩ.
Nhà khảo cổ Humer cho biết, các hình ảnh chụp di chỉ này bằng thiết bị radar cho thấy nơi đây còn có cả nghĩa trang dành cho các võ sĩ sau khi tử trận. Hiện đang có một kế hoạch xây dựng một mô hình trường luyện võ sĩ dựa vào các hình ảnh radar đó. “Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì nhiều khả năng chúng tôi sẽ không phải khai quật di chỉ, như vậy vẫn có thể giữ được nguyên vẹn các dấu tích dưới lòng đất”.