Trại sáng tác hình thành với mục đích tìm sự gắn kết giữa nghệ thuật đương đại với các yếu tố văn hoá truyền thống tại địa phương, bằng cách tạo dựng một không gian nghệ thuật ngay trong bảo tàng Mường. Khi kết thúc, các trưng bày đó sẽ được sử dụng trong lễ hội truyền thống của người Mường (khai mạc ngày 30.9).
Hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu xây dựng bảo tàng Không gian văn hoá Mường từ bộ sưu tập cá nhân về các công cụ sinh hoạt của người Mường từ năm 2007, giúp anh ý thức hơn về sự bảo lưu những sản phẩm của một dân tộc và một nền văn minh đang dần biến mất trong xã hội hiện đại. Bảo tàng có các khu vực trưng bày công cụ và bốn ngôi nhà sàn nguyên bản của bốn tầng lớp trong xã hội Mường cổ, cung cấp cho người xem một cái nhìn toàn cảnh và nhanh chóng về đời sống người Mường. Tuy nhiên, ý nghĩa của một bảo tàng hiện đại không chỉ lưu giữ hiện vật, mà còn cần chứa đựng những yếu tố của cuộc sống và nền văn hoá đương thời, như một xu hướng của ngành nhân học thế giới. Suy tưởng đó đã dẫn Vũ Đức Hiếu đến việc tổ chức một workshop (trại sáng tác) nghệ thuật đương đại, như một thử nghiệm để trả lời các câu hỏi: liệu có thể kết hợp nghệ thuật hiện đại và văn hoá truyền thống? Văn hoá truyền thống sẽ như thế nào khi đặt cạnh tác phẩm hiện đại? Hình thức và ngôn ngữ nào là phù hợp để liên kết hai nền văn hoá đó với nhau?
Trong mười ngày của workshop tới đây, 21 nghệ sĩ sẽ làm việc trên một khoảng đất mới rộng 1,5ha bên cạnh khu trưng bày vốn có của bảo tàng. Các nhà điêu khắc do điêu khắc gia Đào Châu Hải dẫn đầu cùng nhóm tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Huy Tính, Lương Văn Việt, Khổng Đỗ Tuyền... sẽ tuỳ ý sáng tạo và thể nghiệm những hình thức và ngôn ngữ không gian tự do, tận dụng những chất liệu sẵn có từ tự nhiên như tre, gỗ, đá, đất... để tạo nên những tác phẩm thị giác ngoài trời nhằm phối hợp hoặc biến đổi khung cảnh tự nhiên xung quanh. Nhóm hoạ sĩ với các tác giả Lý Trực Sơn, Hà Trí Hiếu, Vũ Thăng, Nguyễn Minh Phước, Vũ Đức Trung... sẽ sáng tạo bằng ngôn ngữ hội hoạ trên nhiều loại bề mặt với các chất liệu khác nhau, từ sơn dầu đến những màu tự chế từ tự nhiên. Các nghệ sĩ còn được tiếp cận văn hoá địa phương qua hai buổi du ngoạn vào các vùng Mường cổ trong vùng núi Hoà Bình, tiếp xúc với các nghệ nhân nghề truyền thống và thầy mo địa phương. Đặc biệt nghệ sĩ âm thanh Phạm Quang Trần Minh sẽ nghiên cứu cùng với một dàn nhạc truyền thống Mường để tìm ra một vài thể nghiệm phối khí mới kết hợp với âm thanh và nhạc cụ hiện đại.
Một tiêu chí của workshop là khi khoảng cách trong đời sống và văn hoá giữa hiện tại và quá khứ ngày càng xa, cùng sự mất đi nhiều sắc thái độc đáo của dân tộc vùng miền, thì sự tiếp xúc cần phải trực tiếp, mạnh mẽ hơn và tích cực hơn. Nó tạo cơ hội cho nghệ sĩ trải nghiệm một không gian sáng tạo trong một bối cảnh văn hoá khác, tạo cơ hội cho người dân địa phương giao lưu với nghệ sĩ và nghệ thuật trong suốt quá trình sáng tác cho đến khi trưng bày tác phẩm. Và điều lý thú hơn cả, chính là tạo một không gian khác cho nghệ sĩ và người dân tại chỗ có những cảm nghiệm mới mẻ.
Tác phẩm sắp đặt Vết tích con người của hoạ sĩ Đặng Thị Khuê trong bảo tàng Không gian văn hoá Mường. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn