Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
664
123.241.244

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sôi nổi các hoạt đông văn hóa văn nghệ cahò mừng 220 năm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút
Bước vào năm 2005, nhân dân xã Kim Sơn nói riêng và Tiền Giang nói chung sẽ đón Tết Ất Dậu trong không khí phấn khởi vui tươi cùng với Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và việc khánh thành, đưa vào hoạt động khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút rộng trên 3 hécta. Đây là một công trình nghệ thuật có tầm cỡ của Tiền Giang mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Lễ khánh thành khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút được tổ chức vào tối ngày 20/01/2005 và ngay sau đó là buổi mít tinh trọng thể. Ngoài phần “lễ” được tổ chức long trọng, phần “hội” diễn ra cũng sôi động và quy mô không kém. Đặc biệt là các hoạt động văn hóa văn nghệ để chào mừng sự kiện trọng đại này. Hoành tráng nhất là tiết mục sân khấu hóa “Hào khí sông Tiền” dài gần 60 phút với sự tham gia của trên 130 diễn viên chuyên và không chuyên trong tỉnh. Chị Mai Mỹ Duyên - tác giả kịch bản, cho biết: “Cảm hứng chủ đạo để tôi xây dựng kịch bản “Hào khí sông Tiền” chính là trận thủy chiến nhận chìm 300 chiến thuyền và hơn 5 vạn quân Xiêm đã đi vào sử sách. Theo tôi, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút sở dĩ vang dội như vậy ngoài trí tuệ, ngoài dũng khí của nghĩa quân Tây Sơn, của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ còn có một phần đóng góp không nhỏ của nhân dân Tiền Giang. Họ đưa tin, dọ thám, dẫn đường cho quân Tây Sơn, đồng lòng đứng lên dưới ngọn cờ Tây Sơn chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương. Tôi muốn đi tìm mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại để khẳng định một điều: người dân Tiền Giang vốn đã tiềm tàng trong mình một sức mạnh to lớn  từ những ngày đầu đi mở đất. Sức mạnh đó là sự đoàn kết trong lao động và chiến đấu. Sức mạnh đó chính là nguồn lực, là yếu tố “nhân hòa” trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay”.

 

“Hào khí sông Tiền” có tất cả 3 chương và phần coda. Chương I với chủ đề “Sức mạnh ý chí” tập trung khắc họa hình ảnh những lưu dân đi mở đất. Họ đã rời quê hương đến vùng đất Tiền Giang để khai hoang lập ấp. Những ngày đầu đầy khó khăn nguy hiểm ấy, họ đã phải đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với chính bản thân để tồn tại. Cuộc chiến đấu vì sự sống còn diễn ra thật quyết liệt để từ đó hình thành trong mỗi con người sức mạnh ý chí và trí tuệ thật mãnh liệt. Trên vùng đất mới những con người ấy đã đoàn kết thương yêu nhau, trích máu ăn thề cùng đồng cam cộng khổ quyết tâm bám đất bảo vệ thành quả lao động ban đầu. Chương I được kết thúc bằng tiếng gà gáy sáng và tiếng khóc của những đứa trẻ đầu tiên chào đời trên vùng đất khẩn hoang báo hiệu một cuộc sống mới được bắt đầu.

 

Chương II với chủ đề “Rạch Gầm dậy sóng” bắt đầu với hình ảnh quân Xiêm tràn tới gây bao đau thương tang tóc. Chồng đi tìm vợ, mẹ đi tìm con trong khung cảnh điêu tàn đổ nát. Lòng căm thù biến thành sức mạnh, họ quyết cùng nhau nhất tề đứng dậy, tập hợp dưới ngọn cờ Tây Sơn chống giặc ngoại xâm. Cao trào là trận thủy chiến năm xưa được tái hiện lại thật hoành tráng trên sân khấu với sự diễn xuất của hơn 90 diễn viên.

 

Chương III với chủ đề “Khúc khải hoàn” được mở đầu bằng niềm vui chiến thắng. Những anh hùng quần nâu áo vải từng gây khiếp đảm cho biết bao tên giặc xâm lăng lại trở về với cuộc sống bình thường, với hình ảnh của những người nông dân hiền lành chân chất. Họ cùng bắt tay nhau xây dựng lại làng xóm từ điêu tàn đổ nát. Người xem sẽ cảm nhận được không khí của những làng quê Việt Nam xưa với những cánh đồng vào vụ cấy, trai gái vừa hăng say lao động vừa hò đối đáp và cả những buổi hội làng, những buổi tế lễ ở các đình thờ miếu mạo. Nét sinh hoạt văn hóa của người xưa được tái hiện lại trên sân khấu như những thước phim tư liệu quý giá. Chương III được kết thúc bằng một đám cưới theo nghi thức xưa chứa đựng nhiều ý nghĩa.

 

Phần coda là một bước khái quát về hình ảnh một Tiền Giang - nơi đất lành chim đậu, nơi hội tụ của địa linh nhân kiệt, nơi giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, nơi đã đi vào sử sách với bao chiến công oanh liệt. Sức mạnh của ngọn sóng Rạch Gầm đã lan tỏa đến cả Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đến trận Giồng Dứa, trận Ấp Bắc lừng lẫy một thời. Và cũng trên chính mảnh đất này, biết bao thế hệ đã tiếp nối nhau bảo vệ, giữ gìn và xây dựng một Tiền Giang ngày càng giàu đẹp. Đó cũng là ý tưởng chính của êkíp thực hiện khi dàn dựng “Hào khí sông Tiền”.

 

Bên cạnh đó, nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc cũng được dàn dựng để phục vụ nhân dân. Liên tục trong 2 đêm, 21 và 22/01, đoàn nghệ sĩ cải lương đến từ thành phố Hồ Chí Minh, đoàn Nghệ thuật Chăm của tình Bình Thuận và đoàn nghệ thuật Kh’mer của tỉnh Trà Vinh cùng mang đến cho khán giả nhiều tiết mục đặc sắc, mang đậm tính dân tộc. Đặc biệt, trong đêm 20/01 còn có tiết mục biểu diễn nhạc võ  Tây  Sơn  -  Bình Định,  quê  hương  của  người  anh  hùng  áo  vải Nguyễn Huệ.

 

Một trong những hoạt động thu hút được rất nhiều người tham gia đó là các cuộc thi. Vào sáng ngày 20/01 là buổi khai mạc Hội thi hoa kiểng các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đây là một cuộc thi được tổ chức luân phiên hàng năm giữa các tỉnh. Hội thi hoa kiểng năm nay quy tụ hàng trăm nhà vườn từ các tỉnh về tham dự với nhiều loài hoa kiểng quý hiếm. Một cuộc thi khác cũng được khai mạc cùng ngày đó là Hội thi chưng nghi và chưng mâm ngũ quả với sự tham dự của 5 tỉnh gồm: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang. Vào tối ngày 20/01 và sáng ngày 21/01 là Hội thi thuyền hoa và tổ chức diễu hành thuyền hoa trên sông. Thí sinh của cuộc thi này là đại diện của 9 huyện thị, thành phố Mỹ Tho cùng các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Cuộc thi này hứa hẹn rất được sự quan tâm của công chúng bởi vì đây là lần đầu tiên một cuộc thi kết thuyền hoa có quy mô lớn được tổ chức tại Tiền Giang. Sôi động không kém là các cuộc tranh tài những bộ môn thể thao dân tộc như: kéo co, vật tay, đẩy cây… cuộc thi cờ tướng cùng với Hội thi bốn món ẩm thực (chè - bánh mặn - bánh ngọt - thức uống chế biến từ trái cây và ngũ cốc) sẽ đồng loạt diễn ra vào sáng ngày 22/01.

 

Những hoạt động chào mừng 220 năm chiến thắng Rạch Gầm trên đây diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, tạo không khí vui tươi phấn khởi mừng Đảng, mừng xuân mới và là hoạt động mở đầu để chào đón các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn trong năm 2005. Những hoạt động mang tính chiều rộng lẫn chiều sâu như thế này vừa góp phần vào việc giáo dục truyền thống vừa là cơ hội tốt để quảng bá một di tích văn hóa quan trọng, một hình ảnh Tiền Giang giàu đẹp, hiền hòa và mến khách.  

Trương Trọng Nghĩa -