Vì thế đoàn nghệ nhân ca trù TP.HCM không thể tham dự liên hoan lần này …” – câu chuyện của ông Lê Văn Lộc, phó giám đốc trung tâm Văn hoá TP.HCM khiến khán phòng hội nghị Đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hoá ca trù 2009 – 2010 do cục Di sản văn hoá và viện Âm nhạc tổ chức sáng 13.10, lặng đi.
Vậy là chỉ vì vấn đề kinh phí hay đúng hơn là duyệt chi kinh phí, mà một trong 23 đơn vị dự kiến tham dự liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011 không thể có mặt.
Những bài tham luận của các địa phương không giấu được sự lo lắng về công tác bảo tồn di sản ca trù. Mà một trong những vấn đề lại chính là… chủ trương. Một vị phó giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch phải bỏ tiền túi để viết và in tài liệu nghiên cứu và sưu tầm về ca trù. Một cán bộ phòng nghiệp vụ văn hoá phải bỏ tiền túi để “chế độ” cho nghệ nhân trong quá trình kiểm kê. Thậm chí, để 11 nghệ nhân ca trù được nhận khoản tiền hơn 1 triệu đồng, chủ tịch hội Văn nghệ dân gian GS Tô Ngọc Thanh cũng phải ký mỏi tay 15 phút mới hết số giấy tờ cần thiết. Nhận xét về thực trạng này, TS Lê Thị Minh Lý, phó cục trưởng cục Di sản văn hoá bộ Văn hoá – thể thao và du lịch phát biểu: “Những cán bộ văn hoá địa phương đó đã bỏ qua mọi khó khăn vì trách nhiệm và thậm chí cả lòng đam mê với di sản văn hoá của dân tộc. Nhưng họ vẫn chưa thể làm được gì nhiều và hiệu quả vì thiếu một chủ trương”.
“Tất cả những vấn đề trên đặt ra với chúng ta một thực tế: cần một chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản ca trù. Đúng như danh hiệu mà UNESCO trao tặng di sản, đó là một hành động cần phải thực hiện khẩn cấp”, PGS.TS Lê Văn Toàn, viện trưởng viện Âm nhạc phát biểu. Khẩn cấp, nhưng bao giờ mới có?
Ảnh: Hai nghệ nhân của CLB ca trù Hà Nội trình diễn một tác phẩm ca trù cổ tái hiện không gian cửa đình.