Lừng lẫy…
Theo nhiều nghiên cứu thì kịch thơ Việt Nam ra đời và định hình từ những năm 1930 cùng với sự phát triển của phong trào Thơ Mới và sự du nhập của kịch nghệ phương Tây. Hai tác phẩm được xem là mở đường cho thể loại này là Anh Nga (1934) và Tiếng địch sông Ô (1935) của Phạm Huy Thông. Tuy nhiên, xét kỹ ra thì đây mới chỉ dừng lại là hai bài thơ dài có kết cấu phân vai kịch, có các nhân vật đối đáp qua lại vì thế được dùng để đọc, ngâm vịnh chứ chưa phải để diễn trên sân khấu.
Tiếp sau đó, nhiều tác phẩm kịch thơ thực sự - có bố cục tình huống kịch chặt chẽ, kịch và thơ hòa quyện, tương tác với nhau - liên tiếp ra đời như: Huyền Trân công chúa (1935) của Nguyễn Nhược Pháp; Hận Nam Quan (1937), Kiều Loan (1942), Lên đường (1944)… của Hoàng Cầm; Trần Can (1939), Lý Chiêu Hoàng (1940), Phạm Thái (1942), Quỳnh Như (1944)… của Phan Khắc Khoan; Bóng giai nhân (1942) của Yến Lan; Viễn khách (1942) của Lê Huyền Linh; Trầm hương đình (1943) của Thế Lữ; Quán biên thùy (1943) của Thao Thao; Vân Muội, Trương Chi (1944), Tâm sự kẻ sang Tần (1951)… của Vũ Hoàng Chương; Về Hồ (1946), Bến nước Ngũ Bồ (1953)… của Hoàng Công Khanh… Nhiều tác phẩm đã được trình diễn tại các “thánh đường” Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng, Huế, cũng như nhiều địa phương khu vực phía Bắc, được khán giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt để lại những dấu ấn không phai trong nền sân khấu nước nhà.
Kịch thơ đã có bước khởi đầu vô cùng ấn tượng cả về số lượng lẫn chất lượng, vượt hẳn kịch nói vẫn đang dò dẫm tìm chỗ đứng. Không khó để lý giải hiện tượng này khi từ xưa đến nay nước Việt ta vẫn được mệnh danh là “đất nước của thơ ca”. Xét nguồn gốc sâu xa, có thể nói kịch thơ bắt nguồn từ chính những truyện thơ tồn tại xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam. Những truyện thơ khuyết danh: Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Thạch Sanh, Bích câu kỳ ngộ…; hay các danh tác: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)… đều giàu tính kịch, ngôn ngữ thoại, tâm lý nhân vật được thể hiện sinh động bằng lời thơ trau chuốt (các vở diễn sân khấu hiện đại thường xuyên chuyển thể, phóng tác hoặc lấy cảm hứng từ những tác phẩm này).
Trong nỗ lực “cải lương” mọi lĩnh vực trong đó có nghệ thuật sân khấu nhằm “chấn dân trí, hưng dân khí” của tầng lớp trí thức mới vào đầu thế kỷ XX thì kịch nói phương Tây với thế mạnh thể hiện trực diện, quyết liệt xung đột kịch, gần gũi cuộc sống là thế mà vẫn vấp phải sự thờ ơ của công chúng khi lời thoại chỉ là những lời nói đời thường, thiếu sự du dương của vần điệu. Và theo GS Phạm Thế Ngũ thì: “lối kịch thơ ra đời, vừa cứu vớt kịch nói (thoại kịch) khỏi cái tẻ nhạt của câu nói thông thường, vừa thỏa mãn một nhu cầu xướng ngâm của người Việt nên rất được hoan nghênh”.
Dễ dàng nhận thấy đa phần tác phẩm kịch thơ đều có đề tài lịch sử. Có thể nói đây là đề tài thích hợp nhất cho sự kết hợp giữa hai loại hình vốn dĩ “xung khắc”: kịch - gắn liền với xung đột, là đời sống, là thực tế; thơ - sự bay bổng, trữ tình, là cảm xúc, là tâm hồn. Kịch là cái để “nhận thấy”, và thơ là cái để “cảm”. Với đề tài lịch sử, tác giả kịch thơ có thể khai thác tính kịch ở những biến cố lịch sử hấp dẫn với chiến trận, những cuộc tranh giành quyền lực; và lấy “chất thơ” từ cảm hứng lãng mạn về một quá khứ vàng son, cùng những mối tình đã đi vào huyền thoại.
Các tác phẩm cũng chia hai dòng rõ rệt dưới ảnh hưởng của thời cuộc. Vân muội, Tâm sự kẻ sang Tần, Cô gái ma, Bóng giai nhân… đại diện cho dòng lãng mạn đi sâu vào những chuyện bi tình, nêu bật hình tượng nhân vật lạc loài, mặc cảm “sinh nhầm thế kỷ”, tâm trạng chán chường, “lánh đời”. Dòng mang âm hưởng anh hùng ca là những tác phẩm đầy tráng khí, những vần thơ mỹ lệ, hào hùng làm sống lại những trang vàng lịch sử, khơi gợi lòng yêu nước, nêu cao tinh thần dân tộc, như: Trần Can, Hận Nam Quan, Kiều Loan, Lên đường, Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ… Những vở diễn này đều được dàn dựng và biểu diễn (với quy mô chuyên nghiệp lẫn phong trào) ở nhiều miền đất nước, được công chúng đón nhận nhiệt liệt vì giá trị nghệ thuật lẫn tinh thần quật khởi mà nó khơi gợi. Kịch thơ là một hình thức “tuyên truyền yêu nước” cực kỳ hiệu quả. Kiều Loan (Hoàng Cầm) và Bến nước Ngũ Bồ (Hoàng Công Khanh) đã vượt khỏi biên giới đến nhiều quốc gia theo chân cộng đồng người Việt xa xứ.
Long đong
Sau thời “hoàng kim” khá ngắn ngủi (thập niên 40 thế kỷ XX), kịch thơ dần mất vị trí. Theo cố tác giả Hoàng Công Khanh, kịch thơ dần vắng bóng ở miền Bắc từ sau năm 1953. Ở Sài Gòn, mặc dù thỉnh thoảng vẫn được phát trên đài phát thanh của các ban kịch Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Mây Tần (nhà thơ Đinh Hùng sáng lập), hoặc được duy trì trong phong trào sinh viên - học sinh nhưng hoạt động biểu diễn kịch thơ trên sân khấu lớn gần như không có. Năm 1957, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã cố gắng đưa Tâm sự kẻ sang Tần (công diễn lần đầu vào năm 1951 tại Hà Nội) lên sàn diễn tại Sài Gòn. Thơ Vũ Hoàng Chương vẫn “hàng hàng gấm thêu” nhưng cái tâm sự thất chí, “không quê hương” vương vất từ tầng lớp trí thức, tiểu tư sản thành thị của những năm 1930 dĩ nhiên khó nhận được sự đồng cảm của công chúng Sài Gòn vốn đang sống trong lòng một xã hội âm ỉ nhiều mâu thuẫn, chỉ chực chờ bùng nổ. Và khác với khán giả miền Bắc, kịch thơ chưa bao giờ được công chúng phía Nam ưa chuộng, nhất là khi họ đã có cải lương để say mê, đắm đuối. Từ đấy cho đến nay, thỉnh thoảng kịch thơ cũng tái xuất một đôi lần để mọi người chợt nhớ ra từng có một loại hình văn học kịch độc đáo như thế rồi lại lặng lẽ chìm vào quên lãng.
Ra đời từ những năm 1930, kịch thơ có bước khởi đầu vô cùng ấn tượng cả về số lượng lẫn chất lượng, vượt hẳn kịch nói
Vẫn có những kịch bản kịch thơ tiếp tục ra đời như: Vua đen (1975 - 1978), Cung phi Điểm Bích (1989) của tác giả Hoàng Công Khanh, Thành Taberd (1976) của nhà thơ Bùi Chí Vinh… nhưng chỉ im lìm trên giấy, chưa có cơ hội chuyển hóa thành vở diễn sân khấu thực thụ. Rõ ràng, kịch thơ với nhịp điệu thong thả, tiết tấu chậm rãi, lời thoại ngân nga hoàn toàn “thất thế” so với kịch nói trong việc truyền đạt xung đột kịch, thể hiện những tình huống kịch dồn dập, những cao trào được đẩy lên đến nghẹt thở - trở thành phong cách của kịch hiện đại phản ánh xã hội hiện nay.
… Và trở lại?
Vài năm trở lại đây, kịch thơ lại có những dấu hiệu “hồi sinh”. Công đầu phải kể đến NSƯT Anh Tú (Nhà hát Tuổi Trẻ) khi quyết tâm “khai quật” vở kịch thơ nổi tiếng Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm sau hơn nửa thế kỷ “phủ bụi”. Vở diễn gây được tiếng vang lớn trong công luận, và khiến khán giả phía Nam phải trầm trồ khi đến với Hội diễn Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Vẫn không thể “sống” được trong “thời của hài kịch” nhưng một điều đáng khích lệ là Kiều Loan đang dẫn đầu số suất diễn so với những vở bi kịch khác của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Khi khó lòng đưa một vở kịch thơ lên sân khấu trong thời buổi hiện nay thì nữ đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Trung ương) lại làm kịch thơ “sống lại” theo cách khác: chuyển thể cải lương. Vở cải lương Cung phi Điểm Bích (chuyển thể từ kịch thơ cùng tên của tác giả Hoàng Công Khanh) sau gần 20 năm “đắp chiếu” đã “sống dậy” và thành công rực rỡ khi đem về cho Hoàng Quỳnh Mai giải Đạo diễn trẻ tài năng (2007), cùng giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội. Vở diễn cũng đoạt giải A giải thưởng Hội Sân khấu Việt Nam và tạo nên hiện tượng “sốt vé” hiếm hoi cho một vở cải lương trên đất Bắc. Sự thành công của Cung phi Điểm Bích giúp Quỳnh Mai tự tin đưa vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ trở lại vào năm 2008. Đồng thời, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cũng mang Bến nước Ngũ Bồ với bản dựng cải lương (chuyển thể: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Nguyên Đạt) đến Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Giản dị mà sâu sắc, nghệ thuật cải lương thăng hoa trên nền vở kịch thơ đã chinh phục được những khán giả khó tính nhất cũng như đem về cho vở chiếc huy chương bạc. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai lại đang ấp ủ việc đưa vở kịch thơ đồ sộ Vua đen (tới 7.150 câu), cũng của tác giả Hoàng Công Khanh, lên sàn diễn cải lương.
Vẫn biết kịch thơ và cải lương là hai loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác nhau nhưng khi kịch thơ với những hạn chế của mình khó trở lại sân khấu một cách độc lập thì “tấm áo cải lương” - việc chuyển thể lời thơ sang làn điệu cải lương tương đối thuận lợi khi vẫn giữ được vẻ đẹp của ngôn từ, thể hiện được trọn vẹn, thậm chí là nâng cao tinh thần của tác phẩm gốc - cũng là một cách không để lãng phí nguồn kịch bản chất lượng này.
Và sự ra đời của vở kịch thơ “mới toanh” Quyền lực tình yêu trên sân khấu IDECAF, một sân khấu xã hội hóa vốn luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, có thể cho phép những người yêu kịch thơ thêm lạc quan rằng kịch thơ sẽ không “chết” trên “đất nước của thơ ca”.
Kịch thơ - loại hình văn học kịch có lời thoại bằng thơ - vốn không xa lạ gì trên sân khấu thế giới và cả Việt Nam. Kịch cổ điển phương Tây mà cả thế giới ngưỡng mộ chính là kịch thơ. Kịch thơ cũng từng đi tiên phong trong việc gây dựng nền sân khấu mới Việt Nam từ đầu thế kỷ trước. Thế nhưng đã từ lâu lắm kịch thơ Việt Nam không còn hiện diện trên sàn diễn. Cho đến khi Kiều Loan (Nhà hát Tuổi Trẻ) trở lại đong đầy cảm xúc vào năm 2005, nhiều người chợt nhận ra: kịch thơ vẫn hấp dẫn lắm chứ! Và, tháng 10/2011, sân khấu xã hội hóa IDECAF cho ra đời vở kịch thơ Quyền lực tình yêu (tác giả: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSƯT Hữu Châu) lại khiến những tâm hồn lãng mạn khấp khởi hy vọng về sự “hồi sinh” của một loại hình kịch độc đáo từng có một thời lừng lẫy.
Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN TRẦN NGỌC TUYẾT
Từ trái sang: Hồng Ánh, Thành Lộc, Hoàng Trinh và Mỹ Duyên trong vở kịch thơ "Quyền lực tình yêu" trên sân khấu IDECAF - Nguồn: Lao Động