Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
661
123.241.263

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giải thưởng Hội Nhà văn 2004:
Lãng Thanh với tập thơ Hoa là một trong 6 tác giả nằm trong danh sách giải B của giải thưởng Hội Nhà văn năm 2004 (không có giải A). Anh là người trẻ tuổi nhất trong các tác giả đoạt giải (sinh năm 1977) nhưng cũng thật trớ trêu, anh đã ra đi từ năm 2002. Tập thơ Hoa chỉ vỏn vẹn 14 bài thơ dày 76 trang, chia làm hai phần Thượng, Hạ. Thật mỏng manh nhưng cũng thật day dứt với Lãng Thanh.

Ngày còn sống, thi thoảng Lãng Thanh tới xóm Hồng gặp anh em trong nhóm văn Chí Tâm. Trong nhóm, ai cũng gọi Lãng Thanh là thi sĩ. Nét thi sĩ không chỉ trong câu thơ uyển chuyển, ý tứ mới lạ mà còn thoát ra ngoài dáng vẻ, gầy ốm, da xanh, mắt đeo kính cận dày.

Trái nghịch với vóc dáng và sở thích sáng tác, Lãng Thanh lại theo học hai trường “rất mốt” cùng lúc của thanh niên thời bây giờ: Học Viện Quan hệ Quốc tế khóa 23 và Đại học Ngoại thương khóa 36.

Giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và Hán cổ, Lãng Thanh đã đọc nguyên bản và dịch một số bài thơ nước ngoài. Sau khi ra trường năm 2001, Lãng Thanh về công tác tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Vĩnh Phúc. Bữa ấy ngày 23/6/2002, Lãng Thanh đến nhóm Chí Tâm. Anh rụt rè: “Mình muốn nhờ anh em xin hộ giấy phép tập thơ”.

Anh em trong nhóm chuyền nhau bản thảo tập thơ Hoa và bình luận. Mỗi người một nhận xét, có chăng sự đánh giá giống nhau là ý tứ thơ mới lạ, suy nghĩ mạnh bạo. Lãng Thanh bấy giờ trong cơn sôi nổi mới thốt lên: “Thơ hay đâu cứ lượng nhiều. Cả đời chỉ cần in một tập thơ là đủ!”.

Tinh hoa phát tiết. Ngàn năm bạc mệnh một đời tài hoa. Câu nói điềm báo chẳng ai ngờ là thật. Chưa tròn một tháng sau, Lãng Thanh “lẳng lặng”... đi thật xa.

Rồi anh em nhóm văn Chí Tâm về quê hương Việt Trì đưa tiễn hai bố con Lãng Thanh bị kẻ ác sát hại. Trước mộ Lãng Thanh, anh em hứa sẽ cố gắng thực hiện ước mơ của anh. Như đáp tấm thân tình, những vòng hoa quanh mộ bùng cháy hết lên...

Nhà thơ Phạm Đức đã đứng ra chịu trách nhiệm bản thảo để tập thơ Hoa được Nhà xuất bản Thanh niên cấp giấy phép. Vì tập thơ nằm ngoài kế hoạch nên Thiên Sơn, trưởng nhóm đứng ra vận động anh em Chí Tâm, những bè bạn thân cùng học của Lãng Thanh quyên góp người mấy chục, người một vài trăm để lấy quỹ in thơ. Biết là chưa có kinh nghiệm vẽ bìa nhưng Quốc Việt, một kiến trúc sư trẻ cũng tự xin nhận trách nhiệm. Còn Khương Việt Hà, một nghiên cứu viên văn học Nhật thuộc Ban Quốc tế của Viện Văn học cũng gắng lo phần việc trình bày...

Sách in vừa ráo mực, tiếng thơm đã vang đồn. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là người đầu tiên “chộn rộn” không nén nổi đã bật thốt lên trên báo Tiền Phong Chủ nhật số 29, ngày 20/7/2003: Một tài năng mệnh yểu. Thật kỳ lạ. Bài báo của nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại in đúng vào ngày giỗ đầu của Lãng Thanh.

Tiếp theo bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhóm Chí Tâm bàn nhau nên phát hành thơ của Lãng Thanh thông qua bài viết giới thiệu trên báo Tiền Phong Chủ nhật. Tôi được anh em tín nhiệm chấp bút viết bài về cái chết oan ức của Lãng Thanh và tài năng thi, thư, họa, dịch của anh.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, thư ký tòa soạn báo Tiền Phong Chủ nhật sau khi đón nhận tập thơ Hoa từ sự kính cẩn của tôi đã đọc ngay tập thơ. Đọc xong, anh im lặng một lát rồi nói: “Đâu, chú đưa bài đây anh xem nào!”.

Ba ngày sau, bài báo của tôi in ra nguyên vẹn. Trưa thứ 7, khi tôi đang trên đường ra sạp mua báo thì có tiếng chuông điện thoại reo. Một bạn đọc Tiền Phong Chủ nhật đã gọi cho tôi với lời đề nghị mong có được tập thơ ngay lúc vừa đọc xong bài viết và số điện thoại đăng trên báo. Tiếp đó, Nguyễn Quyến và nhà thơ Hồng Thanh Quang báo An ninh Thế giới gọi đề nghị cung cấp tập thơ và thông tin để thẩm định, viết bài. Vài ba tuần sau, trên một số báo như Ngày nay, Đất Tổ, trang Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam... có bài về thơ Lãng Thanh. Và thấm thoắt chưa đầy hai tuần, 800 bản in đã được phân phát khắp mọi miền đất nước từ Bắc chí Nam. Viết đến đây, cho phép tôi được xin lỗi nhiều bạn đọc mong mỏi có tập thơ mà chúng tôi chưa thể có sách gửi biếu được... cũng như một phần đóng góp ủng hộ thêm của bạn đọc mà chúng tôi chưa tái bản và bổ sung thêm phần di cảo sáng tác của Lãng Thanh.

Đọc tập thơ Hoa của Lãng Thanh, nhà thơ Lê Quốc Hán, giảng viên khoa Toán Đại học Vinh, Nghệ An ngoài việc viết thư trao đổi với chúng tôi còn cảm hứng viết thơ về thi sĩ lãng Thanh. Cũng thật tình cờ, năm 2004, một bài thơ tưởng nhớ của anh đã đăng đúng ngày giỗ năm thứ hai của Lãng Thanh trên báo Tiền Phong.

Thơ Hoa gây dư luận. Nhiều nhà văn, nhà thơ và bạn yêu thơ đã tìm đọc. Hồi đầu năm nay, Thiên Sơn nói với tôi: “Năm 2003, lẽ ra Hoa của Lãng Thanh đã được giải nhưng vì Hội Nhà văn tưởng rằng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trao giải cho tập thơ Hoa nên thôi. Và Hội Liên hiệp cũng có ý nghĩ ngược lại. Thành ra...”.

Hoa đã chính thức được xếp giải. Lãng Thanh (tiếng sóng) đã trôi xa nhưng Hoa còn đọng lại. Trong tâm trí người viết lúc này đang hiện lên nét bút thư pháp tài hoa Lãng Thanh khi thể hiện chữ Nhất. Lãng Thanh nói: “chữ Nhất chỉ là một nét ngang, ai cũng có thể viết được nhưng cao thủ hay không là biết ngay”. Chữ Nhất của Lãng Thanh như dải lụa phất, lại như đường bay của lưỡi kiếm, giữa hai đầu đậm mực là khoảng giữa mờ tia mực. Lãng Thanh bảo: “đấy là kiểu bút phi bạch. Nét đẹp nằm trong cái không!”.

Lãng Thanh ơi. Phải chăng bạn là chữ Nhất qua kiểu viết phi bạch.

       Hà Nội 21/1/2005.

Từ Khôi - TiềnPhong online
Tin tức khác