Triển lãm các bức ảnh này dưới một hình thức độc đáo đang diễn ra tại đình Đồng Lạc (42-44 Hàng Bạc, Hà Nội) và kéo dài đến hết ngày 23/11.
Không gian triển lãm được bài trí như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hơn là triển lãm ảnh đơn thuần. Trong đình Đồng Lạc, nơi triển lãm, Quách Đông Phương đã bày ra 4 bộ sập gụ rồi dùng chính những tấm ảnh đen trắng in hình cổng làng, khổ 9cmx12cm, “trải” lên trên mặt phản thay cho “chiếu hoa”. Trên phản, anh sắp đặt gần 700 hộp khổ vuông 25cmx25cm mà cả 4 mặt đều được bọc bằng ảnh cổng làng. Nom các hộp ảnh này tựa như những khối vuông rubic. Rồi các khối vuông đó được sắp đặt so le nhau, hoặc thành bậc tam cấp, ngũ cấp khiến cho công chúng dù đứng ở bất kỳ góc nào cũng có thể “đi vào cổng làng” mà không vướng mắt.
Nếu xem kỹ sắp đặt ảnh cổng làng của Quách Đông Phương, người kỹ tính còn phát hiện anh đã dùng sơn ta quét lên bề mặt một số bức ảnh, làm cho nó giống như là bưu ảnh được sưu tầm hơn là ảnh do anh mới chụp.
“Tôi rửa ảnh đen trắng rồi dùng sơn ta quét lên bề mặt cho nó có vẻ ố vàng để mong muốn có được “màu thời gian”, muốn đẩy lùi thời gian về quá khứ, để người xem có được chiều sâu về ký ức đã qua không bao giờ trở lại. Tôi muốn khi nhìn vào đó, mọi người cũng như tôi thêm một lần được về cổng làng – bộ mặt và là biểu tượng của làng, biểu tượng cho cốt cách của làng quê xưa. Đằng sau những cánh cổng ấy còn là một đời sống văn hóa, những phong tục tập quán của người Việt” - Quách Đông Phương bày tỏ.
Tất cả những bức ảnh về cổng làng của Quách Đông Phương được anh bấm máy cách đây hơn 20 năm. Anh chụp không chỉ cổng làng Hà Nội mà còn chụp ở các tỉnh khác như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình và nhiều nhất là cổng làng của Hà Tây (cũ). Bởi vậy nên bây giờ, có thể nói Quách Đông Phương là người chụp cổng làng Hà Nội nhiều nhất cũng không ngoa. Năm ngoái, có người đến bảo Quách Đông Phương chọn những bức ảnh về cổng làng Hà Nội, trong đó có những bức ảnh chụp cổng làng Hà Tây (cũ) để in thành sách, quảng bá cho một sự kiện, Quách Đông Phương từ chối thì bị “mắng” là người không yêu Hà Nội. Phương bảo: “Cứ gì tôi phải hét lên, phải in sách ảnh với hàng trăm bức liên quan đến hồn vía Hà Nội mới là yêu Hà Nội. Nếu không yêu, không muốn gìn giữ thì chẳng ai đời suốt 20 năm nay đây mai đó chụp ảnh về nó làm gì...”.
Đây là lần thứ 3, Quách Đông Phương triển lãm về cổng làng. Lần thứ nhất triển lãm với tên gọi Cuộc trò chuyện tháng Tư (2000), Phương chỉ giới thiệu hơn 20 bức. Những cánh cổng ở Trung tâm Văn hóa Pháp 4 năm sau đó (2004) số ảnh đã tăng lên 556 bức, đến triển lãm này tăng lên gần 700 bức. Nếu làm một phép so sánh, rõ ràng quãng thời gian 8 năm (2004-2011), Quách Phương Đông chỉ chụp được thêm khoảng được hơn trăm bức mà thôi. Đó là một con số quá ít so với một “tay máy” luôn thèm khát đi tìm và đọc lại lịch sử truyền thống dân tộc qua những di sản kiến trúc độc đáo của phố phường Thăng Long.
Sự “sa sút” này không phải tại Phương hết tài mà tại vì: “Không gian sống đang co lại, còn đâu cổng làng xưa cũ nữa mà chụp...” Quách Đông Phương nói.
Ảnh: Sắp đặt các khối cổng làng trong triển lãm