Giấy mời các thành viên ghi rõ đây là “Hội nghị cán bộ chủ chốt” của Hội. Tổng số hội viên Hội Nhà văn tính đến ngày 31/12/2004 là 793 người, số “cán bộ chủ chốt” cũng khoảng 200 người. Có thể coi đây là một hội nghị trù bị cho Đại hội lần thứ bảy Hội Nhà văn Việt Nam dự định sẽ diễn ra trong năm nay?
Hội nghị dự kiến diễn ra trong 4 ngày. 2 ngày cuối dành riêng cho các thành viên Ban Chấp hành. Trong ngày đầu tiên, sau lời khai mạc của Tổng Thư ký Hữu Thỉnh là báo cáo rất đáng chú ý của nhà văn Ma Văn Kháng - Trưởng ban công tác hội viên.
5 năm vừa qua, đội ngũ nhà văn hội viên không ngừng tăng lên. Số người được kết nạp tăng lên qua từng năm: 29 (2000), 36 (2001), 38 (2002), 43 ( 2003), tổng cộng đã có 146 hội viên mới trong 4 năm qua.
Nhưng tổng số người có nguyện vọng vào Hội vẫn rất lớn: 467 đơn. Nhiều người làm đơn từ hàng chục năm nay, trải qua vài ba nhiệm kỳ chấp hành. Điều đó chứng tỏ Hội Nhà văn Việt Nam có một vị trí xã hội rất xứng đáng, nhưng cũng là một sức ép mỗi kỳ xét kết nạp. Giải tỏa sức ép này như thế nào?
Chỉ có cách trở lại với tiêu chuẩn đã ghi trong điều lệ Hội: Hội viên phải là những người có trình độ chuyên nghiệp cao và tư cách xã hội xứng đáng. Chuyện văn chương “cao, thấp” thế nào thật khó định lượng nhưng tư cách xã hội thì dẫu cũng khó nhưng vẫn có thước đo, đó là luật pháp: việc nhà thơ Hùng Anh (Cà Mau) và nhà văn Trường Thanh (Lạng Sơn) bị khai trừ khỏi Hội do dính líu đến những việc làm phi pháp là những thí dụ hiển nhiên.
Nhà văn là con người của công chúng, có vinh quang nhưng cũng thật nhọc nhằn vì phải gánh... tên tuổi của mình. Sự việc đáng tiếc xảy ra với 2 hội viên nói trên khiến người giới thiệu và người quyết định việc kết nạp đều ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình?
Một câu hỏi được đặt ra rất đúng lúc: Văn chương ta 5 năm qua có “tăng trưởng” được như tốc độ phát triển hội viên? Đây là một câu hỏi khó nhưng rất nghiêm túc và cần thiết. Công việc của nhà văn là viết văn, công việc của các nhà xuất bản là làm sách, công việc của Hội Nhà văn và các tổ chức xã hội khác là trao giải thưởng...
Nếu căn cứ vào số đầu sách, số cuộc thi và số giải thưởng thì thị trường chữ nghĩa 5 năm qua không kém vẻ phồn vinh so với bất kỳ lĩnh vực nào của đất nước. Nhưng về chất lượng thì sao? Văn xuôi đương có một dòng chảy ngầm, thầm lặng nhưng quyết liệt, nhất là trong lĩnh vực tiểu thuyết “công nghiệp nặng của văn học”.
Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn được rất nhiều cây bút đủ mọi lứa tuổi hưởng ứng, hứa hẹn một mùa gặt mới. Truyện ngắn là thể loại thích ứng nhanh nhất với đời sống báo chí thời thị trường, cũng là thể loại được đông đảo người đọc ưa thích, đón đợi. Chỉ với 2 ấn phẩm “29 truyện ngắn lọt vào vòng chung khảo cuộc thi báo Văn nghệ” và “Truyện ngắn hay 2004” (NXB Hội Nhà văn), đã có thể hình dung về truyện ngắn mấy năm vừa qua: Nhiều tên tuổi mới, nhiều giọng điệu, không thiếu những thể nghiệm táo bạo.
Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Sương Nguyệt Minh... Người mới, người cũ, điểm chung nhất là họ vẫn đang viết khoẻ, viết đều và được đón đọc.
Riêng Nguyễn Ngọc Thuần thực sự là một hiện tượng! Chỉ trong vài năm, Nguyễn Ngọc Thuần cho ra mắt 4 cuốn sách, đoạt 4 giải thưởng văn học danh giá, được báo chí đồng thanh biểu dương, được in đi in lại, điều này không phải cây bút nào cũng làm được. Nguyễn Ngọc Thuần đã vinh danh cho văn học thiếu nhi, lĩnh vực thường bị bỏ sót trong các công trình văn học sử!
Thơ thường bị kêu ca nhiều nhất trong những dịp “nhìn lại văn đàn”, điều đó có lẽ do quán tính và đòi hỏi quá khe khắt? Thật ra, cái nền thơ hiện nay cao hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu Đổi mới.
Điều thiệt thòi cho thơ là thiếu những Tuyển tập xứng đáng và những bài phê bình nghiên cứu mang tính thuyết phục. Đây cũng là cái thiệt thòi chung của cả nền văn học: Phê bình lý luận của ta vừa thiếu, vừa yếu, chưa thoát khỏi những lúng túng do thay đổi tiêu chí và thiếu một đội ngũ cầm bút mới đủ sức thay thế lớp cũ.Việc suốt 5 năm qua Hội chỉ kết nạp được 7 cây bút phê bình (trên tổng số 146, chiếm gần 5%) chứng tỏ sự thiếu hụt của những chuyên gia trong lĩnh vực này?
Để kết thúc việc mô tả bức tranh văn học nước nhà 5 năm qua, xin mượn những lời tin tưởng của nhà văn Đỗ Chu - Trưởng Ban công tác nhà văn trẻ: “Lực lượng trẻ đã có những đóng góp quan trọng, góp phần làm mạnh mẽ và mới mẻ đời sống văn học chúng ta những năm vừa qua, họ đã lớn lên và có sự chuẩn bị để trưởng thành mau chóng và đó chính là lực lượng sẽ đóng vai trò chủ lực cho nền văn học của đất nước”.