Ra đời từ năm 2001, ý tưởng về dự án nghệ thuật này do nghệ sĩ Đan Mạch Thierry Geoffoy đề xuất và đã từng được tổ chức tại nhiều thành phố lớn như Berlin, New York, Copenhagen, Athens… Mỗi ngày, đúng 11g trưa các nghệ sĩ mọi lĩnh vực (hội hoạ, nhiếp ảnh, sắp đặt, video…) mang tác phẩm của họ tới trưng bày tại Phòng cấp cứu, sau 24 giờ tác phẩm sẽ được gỡ bỏ và thay bằng tác phẩm mới. Cách làm này thổi tính thời sự vào các sản phẩm nghệ thuật, giúp nghệ sĩ ý thức phản ứng nhanh với các sự kiện xảy ra hàng ngày.
Nói về lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam, nghệ sĩ Thierry Geoffoy cho rằng lý do quan trọng nhất đó là trong lần tổ chức đầu tiên, nghệ sĩ cũng như khán giả đã đạt được những tác động mạnh của một cách tư duy khác về nghệ thuật. “Nghệ sĩ Việt Nam rất suy tư về thời cuộc chứ không chỉ biết làm nghệ thuật. Họ có một cảm quan thời sự thật mạnh mẽ. Và chính điều đó khiến những tác phẩm của họ đánh động được nhau và đánh động người xem. Đó là thành công của dự án lần trước và lý do để dự án trở lại lần này”.
Cũng theo ông Thierry, cuộc sống luôn vận động, luôn nảy sinh những vấn đề và đề tài cho nghệ sĩ, vì thế Phòng cấp cứu luôn mới và có thể tồn tại ở bất cứ thời điểm nào. Năm nay có 20 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ tham gia dự án này.
Các sự kiện văn hoá Việt Nam – Đan Mạch
Cùng với dự án nghệ thuật Phòng cấp cứu, sẽ có tám hoạt động văn hoá, ngoại giao được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM nhân 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch. Các lĩnh vực trải dài từ âm nhạc, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật ballet, sân khấu tới điện ảnh, nhiếp ảnh và văn học. Đáng chú ý là liên hoan Nghệ thuật đường phố ở Hà Nội (29.11) và TP.HCM (30.11). Đặc biệt là hai đêm nhạc Vọng nguyệt của nghệ sĩ Đan Mạch gốc Việt Niels Lan Doky (ảnh), nhạc sĩ Quốc Trung và khách mời đặc biệt – ca sĩ Thanh Lam (28.11 tại Hà Nội và 30.11 tại TP.HCM).
Dự án nghệ thuật Phòng cấp cứu trở lại Việt Nam lần thứ hai. Ảnh: