Thư tịch cổ cho thấy, nghệ thuật kim hoàn trong xã hội Óc Eo rất phát đạt. Người Phù Nam thích chạm trổ, đúc nhẫn, vòng vàng, chén đĩa bạc… Khai quật khảo cổ học ở Bình Tả đã thu được một bộ hiện vật vàng, sau này thành bộ sưu tập hiện vật vàng Bình Tả (Gò Xoài, Đức Hòa, Long An). Hiện bộ sưu tập đang được lưu giữ tại Bảo tàng Long An. Nghệ thuật chạm khắc trên vàng của nghệ nhân Phù Nam - Óc Eo xưa được thể hiện rõ trên những hiện vật này.
Những hiện vật trên được tìm thấy trong một hố thờ hình vuông, cạnh 2,2m; sâu trên 2,5m. Dưới đáy hố, ngoài những hiện vật này còn có tro xương. Bộ hiện vật gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng, khắc chạm hình bông sen và những linh vật như rùa, rắn, voi, những chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý và một bản minh văn Sanskrit-Pali. Qua phát hiện trên, kiến trúc Gò Xoài được nhận định là một di tích stupa (tháp) của Phật giáo.
Hoa sen hay hoa sứ?
Ông Vương Thu Hồng - Phó giám đốc Bảo tàng Long An chia bộ sưu tập này thành ba phần. Đó là nhóm những cánh sen vàng, bản minh văn Bình Tả và những lá vàng chạm hình voi.
Nhóm những cánh sen vàng gồm ba bông sen. Hai bông sen đầu tiên thực chất là hai lá vàng hình tròn được chạm thành hình bông sen mười hai cánh. Đầu cánh nhọn, nhụy nằm chính giữa, bề mặt được chạm nổi những hạt sen tròn. Bông sen thứ nhất có đường kính 7 cm, bông sen thứ hai có đường kính 5,5 cm. Bông sen thứ ba cũng trên lá vàng là một bông sen tám cánh. Tám cánh sen mọc xung quanh một nhụy sen ở giữa, bề mặt được chạm nổi những hạt sen tròn. Bông sen này có đường kính 7 cm.
Nếu như hai bông sen đầu tiên dễ dàng được công nhận là sen thì bông thứ ba lại có một thời gian dài bị tưởng nhầm là hoa sứ. “Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu thường gọi bông sen thứ ba là “bông sứ tám cánh”. Nhưng theo tôi, điều này không đúng vì trong thực tế bông sứ chỉ có năm cánh. Nhưng tại sao lại không phải mười hai cánh như những bông sen trước?”, ông Hồng chia sẻ.
“Tôi đã bỏ thời gian nghiên cứu về Phật giáo và tìm thấy lời giải. Theo Phật giáo, sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm. Bông sen trắng thường có 8 cánh ứng với Bát chính đạo. Nó là đặc trưng của phái Mật tông và là đóa sen của các vị Phật. Còn hai bông sen có mười hai cánh lại biểu trưng cho giáo lý Thập nhị nhân duyên”.
Việc tìm thấy các bông sen vàng và những cổ vật trong lòng di tích được học giả người Pháp G.Coedès nhận định: “Việc chôn báu vật dưới nền đền hay dưới bàn thờ là một tục cổ xưa của Ấn Độ, vẫn được áp dụng ở một số nước khi lập đền, chùa”.
Ánh sáng Phật pháp
Nhưng hiện vật quan trọng nhất của bộ sưu tập lại là bản minh văn vàng Bình Tả. Theo GS Hà Văn Tấn, minh văn gồm có năm dòng. Dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ, dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú. Cả hai đoạn minh văn trên đều thuộc Phật giáo. Ba dòng cuối là hai câu thần chú Mật tông. Dạng mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam Ấn. Theo đó, dòng thứ hai của bản minh văn này đã nhắc đến tám con đường Bát chính đạo.
Theo bản dịch của GS Hà Văn Tấn, những dòng chữ viết trên minh văn là: “Các pháp đều do nhân duyên sinh ra, đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, đức Đại Sa Môn đã nói như vậy”.
“Chính nhờ bản minh văn này mà tôi đã tìm ra gợi ý về việc tại sao lại có những bông sen tám cánh nói trên. Nhờ đó mà chúng mới thoát nghi án hoa sứ”, ông Vương Thu Hồng cho biết.
Có tới tám lá vàng chạm hình voi trong bộ sưu tập. Những lá vàng hình chữ nhật. Chiều dài 2,9 - 3,3 cm. Chiều rộng 2,6 - 3,0 cm. Những hình tượng này được chạm khắc ở nhiều tư thế đứng khác nhau. Trong đó, bốn hình trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước, ngà cong nhọn, vòi buông thẳng xuống dưới; có một hình còn có thêm nhiều chấm nổi nhỏ trên trán. Ba hình voi khác trong tư thế nhìn ngang, đầu hướng về phía trước, ngà cong, vòi buông thõng rồi cong nhẹ lên. Trong đó, hai con voi có trang trí những chấm nhỏ nổi ở trán. Hình voi thứ tám thể hiện đầu quay ngang, ngà nhọn, vòi uốn cong lên đến miệng, trên trán có chấm nổi.
“Nhìn chung, những hình trên đều được khắc họa khá hiện thực, dáng cân đối, trong tư thế vận động. Hình tượng voi biểu trưng cho sức mạnh, sự khôn ngoan, thận trọng và là một trong bốn con vật đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Voi cũng là một trong bảy báu vật của Phật giáo nên hình tượng của voi xuất hiện nhiều trong kiến trúc và trang trí Phật giáo”, ông Hồng phân tích.
Giao thoa giữa các nền văn minh
Theo các nhà nghiên cứu, những hiện vật trong bộ sưu tập trên thể hiện rõ yếu tố nội sinh trong kỹ thuật chế tác kim hoàn qua các đường nét trang trí nhuần nhuyễn và tinh xảo. Bên cạnh đó, nó cũng mang yếu tố ngoại sinh - là các yếu tố Ấn Độ, Trung Á... Chính vì thế, bộ sưu tập làm người ta không thể không nhớ đến thời đại của những hải trình buôn bán đã từng cập cảng ở Óc Eo, Phù Nam.
Ảnh: T.L