Theo cuốn Trống đồng - Quốc bảo Việt Nam, trống đồng Hoàng Hạ được dân làng Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Đông) tìm thấy vào năm 1937, trong khi đào mương dẫn nước. Chiếc trống có đường kính mặt 79 cm, cao hơn 61 cm này được tìm thấy ở độ sâu 1,5m. Khi đó trống bị long, gỉ vàng gần khắp mặt và một phần thân làm một số hoa văn bị mờ. Trống có hoa văn trang trí, hình dáng cũng như kích thước tương tự trống Ngọc Lũ. Hiện trống được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Theo GS Nguyễn Duy Hinh: “Bố cục của những hình trang trí trên mặt trống Hoàng Hạ gần giống trống Ngọc Lũ. Tuy vậy, cũng có một số chi tiết khác nhau”.
Nếu chính giữa trống Ngọc Lũ là ngôi sao nổi mười bốn tua thì chính giữa trống Hoàng Hạ lại là ngôi sao nổi mười sáu cánh. Xen giữa cánh là hình lông công. Từ trong ra ngoài có 15 vành hoa văn. Với những hoa văn hình học, ngoài những vành giống trống Ngọc Lũ như chấm dải, chữ S gãy khúc nối tiếp..., trống Hoàng Hạ còn có thêm vành hoa văn hình xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm.
Cũng so với trống Ngọc Lũ, hình khắc người và vật trên trống Hoàng Hạ không có vành hươu nai và chim bay xen kẽ. Tại vành hoa văn thứ chín, trống Hoàng Hạ có ít chim hơn trống Ngọc Lũ, chỉ có mười bốn chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Đó là những con chim nhỏ, đuôi và chân dài, có mào, không thấy những chim đứng ngậm mồi như trên trống Ngọc Lũ.
Ở vành trang trí thứ sáu, về cơ bản giống như trống Ngọc Lũ tuy có những điểm khác nhau. Số lượng người múa tại vành này của Hoàng Hạ ít hơn Ngọc Lũ. Những hình chim bay, chim đậu của trống Hoàng Hạ có phần thực tế hơn trống Ngọc Lũ. Trên nóc của một trong hai nhà mái tròn có hai chim đậu quay mặt vào nhau giống như hai con gà trống. Cạnh nhà mái tròn có hai chim bay trên đầu cặp trai gái giã gạo. Ở mỗi nóc nhà sàn mái cong chỉ có một con chim đuôi dài giống như hình chim công. Rìa mặt trống có 30 lỗ nhỏ cách đều nhau, có lẽ là dấu vết con kê trên khuôn đúc.
Bố cục trang trí và hình loại hoa văn thân trống Hoàng Hạ giống như trống Ngọc Lũ. Thuyền cũng có dáng cong hình vòng cung. Đầu và đuôi thuyền cũng trang trí hình đầu chim. Đặc biệt cũng có một hình chim bay lao vào mũi thuyền giống trống Ngọc Lũ. Tuy hình thuyền có một số chỗ bị mờ nhưng căn cứ phần còn thấy được thì số người trên sáu thuyền này cũng không giống nhau. Hoạt động của những người trên thuyền giống trống Ngọc Lũ. Người chỉ huy cầm trống, một hoặc hai người trang sức lông chim ở mũi thuyền. Người cầm lái, cảnh bắn cung và cảnh hành hình. Tuy nhiên cũng có một số chi tiết khác biệt, chẳng hạn bổ sung thêm vũ khí như mộc, các cung tên với mũi tên lớn tì lên bệ để bắn.
“Khắp thân trống có những vết sẹo nhỏ, riêng tang trống bị vỡ một miếng. Có lẽ những sẹo này là những vết có từ khi đúc trống. So với trống Ngọc Lũ thì kỹ thuật đúc trống Hoàng Hạ kém hơn: trên mặt và thân trống không đều như trống Ngọc Lũ và có một số vết rỗ (tuy nhỏ), hoa văn trang trí cũng không đẹp và tinh tế như trống Ngọc Lũ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai chiếc trống không nhiều. Chúng có niên đại xấp xỉ nhau, đều thuộc giai đoạn phát triển rực rỡ của trống Đông Sơn”, GS Hinh nhận định.
Trống đồng Hoàng Hạ - Ảnh: Lê Phú
Đại biểu cho giai đoạn tan rã của công xã nguyên thủy
Các nhà nghiên cứu cũng chú ý tới cảnh những người tù binh bị hành hình trên trống. Cảnh này được thể hiện với chi tiết thay đổi ít nhiều trên những thuyền khác nhau.
Có cảnh, tù binh đang bị một lưỡi giáo đâm vào đầu. Tại cảnh này không thấy người hành hình cầm giáo, chỉ có tay người cầm trống giữ đầu tù binh. Tại một cảnh khác, tù binh giống như bị trói quặt tay vào cây cột trên thuyền. Cạnh đó người cầm giáo tựa như sắp sửa hành tội. Trên một thuyền khác, tù binh bị người cầm trống nắm đầu và ngồi ôm lấy cột sàn bắn cung. Đặc biệt, trên một thuyền có hai cảnh hành tội: một cảnh do người cầm trống nắm đầu và tội nhân ngồi ôm lấy cọc sàn bắn cung; một cảnh là người cầm giáo nắm đầu và tù binh duỗi chân tay về phía trước.
Về trang sức thì người chỉ huy cầm trống, người cầm lái đều đội mũ lông chim khá cao, đóng khố sơ sài, còn những tù binh ngồi trên sáu thuyền thì thân hình nhỏ bé và lõa thể. Điều này củng cố thêm nhận định coi họ là những tù binh sắp bị hành hình. So với trống Ngọc Lũ I, các thuyền trên trống Hoàng Hạ không thấy có chó săn.
Theo học giả Đào Duy Anh, những điều này cho thấy trống đồng giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị và xã hội của bộ lạc. Về chính trị, có lẽ nó là tiêu biểu cho quyền uy. Là tiêu biểu cho quyền uy của các tù trưởng, có lẽ trống được dùng mỗi khi có việc báo động, hay có hiệu lệnh của tù trưởng để hiệu triệu nhân dân. Nó khích lệ các tráng sĩ xuất trận. Về mặt xã hội, người ta dùng nó trong những lễ hội lớn như lễ vật tổ hay lễ tế thần của bộ lạc, lễ tang của tù trưởng, hội hè của nhân dân.
Như vậy, theo học giả Đào Duy Anh, trống đồng là đại biểu cho quyền uy của tù trưởng và dùng để lãnh đạo quần chúng trong bộ lạc. Cụ thể hơn, trống đồng là đại biểu cho trình độ kỹ thuật và văn hóa của giai đoạn tan rã của công xã nguyên thủy.