Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật) gọi đây là festival của những người dưới 35 tuổi, bởi ngoài dấu ấn này, rất khó để nhận ra cái gọi là “mỹ thuật trẻ” trong 155 tác phẩm treo la liệt tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Vân Hồ, Hà Nội).
Sau ngày đầu khai mạc gây chú ý bởi các màn trình diễn Dừng lại hay đi tiếp của Lê Nguyên Mạnh và Cảm nhận của Nguyễn Văn Hè, còn lại phòng tranh vắng hoe, những tác phẩm sắp đặt nằm chơ vơ. Đợi từ sáng đến chiều cũng chỉ thấy xuất hiện một vài người, đi vòng vòng quanh triển lãm ngó nghiêng rồi đi ra.
Một họa sĩ trẻ cười buồn: sáng vắng, chiều vắng, chỉ có trưa là đông vì người ta đến dự dám cưới. Thành ra một vài tác phẩm điêu khắc sắp đặt ở ngoài sảnh được hưởng chút không khí rộn rã, chỉ tiếc không phải cái rộn rã của đời sống mỹ thuật.
Sự việc ồn ào duy nhất là bức Chờ xử lý của họa sĩ Đỗ Trung Kiên nhái Phượt II của Nguyễn Quang Hải. Chuyện căng thẳng đến mức chiều 5-12, hội đồng nghệ thuật đã họp đột xuất và không khó để đi đến thống nhất rằng tranh của họa sĩ Đỗ Trung Kiên sáng tác sau và đã sao chép bố cục, ý tưởng của Nguyễn Quang Hải. Mức xử lý đưa ra là loại bức tranh này khỏi triển lãm.
Việc nhái tranh thì đã quá rõ, nhưng điều công chúng băn khoăn là trong số 11 vị thành viên hội đồng nghệ thuật, không ai phát hiện sự việc. Hơn nữa, theo đánh giá của giới chuyên môn, bức Chờ xử lý của Đỗ Trung Kiên nếu đứng độc lập cũng thể hiện rõ sự non kém về mặt tay nghề chứ chưa nói đến việc sao chép quá lộ liễu. Ông Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm) trả lời: “Vì sao chép nhưng tay nghề non nên mới dễ bị phát hiện, chứ nếu tinh vi hơn thì đã khác”. (?)
Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung thở dài: “Xét về chất lượng, so với festival lần đầu năm 2007 thì lần này là sự thụt lùi rõ rệt. Lần trước, nghệ sĩ Trần Lương với tư cách giám tuyển đã đi rất nhiều nơi lọc tác phẩm, tìm kiếm những gương mặt trẻ và mời họ tham gia. Festival lần này không có giám tuyển và chỉ có một hội đồng lựa tác phẩm gửi về”.
Festival của... 8 người
Bên cạnh những ồn ào không đáng có của festival mỹ thuật trẻ, một triển lãm khác của tám người đã lặng lẽ khai mạc tại Bùi gallery (23 Ngô Văn Sở, Hà Nội).
Họa sĩ Trương Tân cho biết triển lãm mang cái tên khá lạ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 diễn ra vào thời điểm này (kéo dài đến ngày 15-1-2012) chỉ vì lý do đơn giản là “không có kinh phí để thực hiện nên lùi từ đầu năm đến cuối năm”. Lý Trần Quỳnh Giang, Trương Tân, Nguyễn Thái Tuấn, Lê Huy Hoàng, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Phạm Ngọc Dương và Nguyễn Mạnh Hùng được đánh giá là những nghệ sĩ đương đại tài năng của mỹ thuật Việt Nam hiện tại.
Với nhiều người, cuộc ra quân tổng lực nhưng riêng lẻ này còn là một tuyên ngôn đối với cách tổ chức cũ kỹ của festival mỹ thuật trẻ toàn quốc. 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 không có giám tuyển, không chủ đề, không tiêu chí cụ thể, tám nghệ sĩ hoàn toàn sáng tác theo thiên hướng của cá nhân và tự do về mặt ý tưởng. Mỗi người trưng bày hai tác phẩm sáng tác trong năm gộp thành một cuộc hội ngộ.
Trong khuôn khổ triển lãm, buổi nói chuyện (art talk) của họ không phải để thảo luận chủ đề muôn thuở “mỹ thuật Việt Nam sẽ đi đến đâu”, mà đơn giản chỉ là sự thay đổi trong tư duy và sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ. “Tôi nghĩ sự thay đổi sẽ bắt đầu từ bản thân của nghệ sĩ” - họa sĩ Trương Tân nói.
Khung cảnh vắng vẻ ở festival mỹ thuật trẻ toàn quốc - Ảnh: Hà Hương