Năm 2010, tác phẩm Cây cầu - video arts được trình chiếu trong triển lãm Ký ức đầy ấn tượng và gợi nhiều suy nghĩ.
Còn lần này - dù từ một tháng trước, Thanh - Hải đã "báo động" sẽ có một triển lãm hoành tráng để tổng kết một năm hoạt động, tôi vẫn bất ngờ khi trước mắt mình hiện ra vô vàn những chiếc bát vàng, đũa son óng ánh xếp kín một căn phòng lớn.
Phải, thật bất ngờ, vì dù đã biết tác phẩm sắp đặt này có tên Chén và đũa, 1945, tôi không thể hình dung Thanh-Hải lại đem xếp toàn bộ đúng 1945 chiếc bát và đôi đũa sơn mài hàng hàng nối tiếp bên nhau, lộng lẫy, đông đúc và nghiêm cẩn như... một cuộc diễu binh đặc biệt.
Bất ngờ, vì hai chàng trai sinh năm 1975 này, nay lại dựng một tác phẩm tưởng niệm một sự kiện đau thương trong quá khứ của dân tộc 30 năm trước khi Thanh - Hải ra đời - nạn đói đã giết hại 2 triệu đồng bào ta năm 1945! Ðó là cách nghĩ có thể gọi là đơn giản của một người "ngoại đạo", còn nhà bình luận nghệ thuật Như Huy đã viết về tác phẩm này như sau:
"... Trong tính vật chất của chúng, trong không gian thị giác vàng son do chúng dựng nên, dường như lập tức đưa người xem vào một chiều kích nằm chênh vênh giữa hiện tại và quá khứ, thực tại và tưởng tượng, đời thường và tâm linh. Ở khoảng chênh vênh ấy, có lẽ công chúng sẽ khó có thể phân biệt rõ 1945 chiếc bát và đôi đũa này là những vật dụng đời thường thiết yếu của đời sống, hay đó là những vật thể nghi lễ không thể thiếu của sự chết (bát cơm, quả trứng); là những biểu tượng cho sự đầm ấm, sum vầy, trong hình hài của một bữa tiệc đoàn viên, hay là những biểu tượng cho sự hư vô, ly tán trong hình hài của 1945 nấm mộ tròn bị lật ngược...".
Tác phẩm nghệ thuật có giá trị vẫn thường đa nghĩa, có sức gợi mở như thế, mặc dù khởi nguồn sáng tạo cho tác giả chính là niềm đau khôn nguôi về việc hơn 2 triệu đồng bào đã chết đói năm 1945.
Chúng tôi - một số nhà văn, họa sĩ, được mời xem trước khi khai mạc triển lãm, chầm chậm và nhẹ bước bên cuộc "diễu binh" đặc biệt của Thanh-Hải, nhỏ nhẹ hỏi nhau như sợ chạm đến những gì linh thiêng đang dồn tụ về đây: "Ðã có ai đặt câu hỏi vì sao dân ta năm 1945 chết đói nhiều như thế? Cũng biết lịch sử đã ghi vì phát xít Nhật phá lúa trồng đay..., nhưng ruộng đồng có khả năng xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, làm sao phá hết được?..." - "Cũng vì chế độ phong kiến lạc hậu, nếu như đất nước bước theo con đường canh tân khai mở dân trí của cụ Phan Chu Trinh..." -"Hình như mấy năm trước, ở Hà Nội nhiều vị nêu vấn đề vì sao chưa có một tượng đài, một tấm bia ghi lại nạn đói bi thảm năm 1945 của dân tộc. Không ngờ chính lớp trẻ như Thanh - Hải lại nhớ tới điều đó...".
Chợt nhớ nhà văn Zahar Prilepin, tác giả xuất sắc nhất ở Nga hiện nay, trong lời "Tự bạch", sau khi nói đến những kẻ bề ngoài đạo mạo, nói năng nghiêm chỉnh lại thường hành xử rất xấu xa, đã viết: "Những nhà văn ngổ ngáo, về nguyên tắc, lại chính là người bạn miễn chê, là người cha tử tế hẳn hoi". (Tạp chí Văn học nước ngoài tháng 10-2011).
Có thể anh em song sinh Lê Ngọc Thanh - Lê Ðức Hải là một dạng văn nghệ sĩ như thế...
Triển lãm “Những con số” của anh em Thanh - Hải khai mạc ngày 11-12-2011 tại 15 Lê Lợi, Huế. Ngoài tác phẩm Chén và đũa, 1945 còn có bộ phim Chạm tới biển, 2011 và Giường nội trú, 1991.
Tác phẩm Chén và đũa, 1945 Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển