Cuộc trưng bày này nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, cho biết các hiện vật này đều là những mảnh vỡ bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như gốm, sứ, sành, gạch ngói nung... không đủ tiêu chuẩn "nhập kho" của bảo tàng và thường bị "vứt đi" sau khi khai quật được. Dù không được lành lặn nhưng đây đều là các di sản văn hóa cần được tiếp tục lưu giữ phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu.
Các hiện vật trưng bày cho thấy sự phong phú của khảo cổ học lịch sử Nam Định, từ giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Đặc sắc nhất trong số các hiện vật là các vật liệu kiến trúc, các vật dụng sinh hoạt khai quật tại di chỉ đền Trần như gạch ngói, gốm, sành mịn, sành thô, dấu vết các lò nung gốm sứ, một phần kiến trúc trụ móng, các loại trụ nhà hình tròn, hình vuông...
Khách tham quan còn tìm thấy ở đây những dấu vết thóc gạo cháy tại di chỉ Hạ Lan hay những hiện vật tìm thấy trong nhiều lần khai quật tại di chỉ làng cổ Bách Cốc do Trung tâm nghiên cứu, giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Đại học quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Nam Định phối hợp thực hiện trong nhiều năm qua.
Cuộc trưng bày còn giới thiệu những hình ảnh tư liệu quý về cột cờ Nam Định trong hơn 200 năm tồn tại như hình ảnh cột cờ nguyên thuỷ, cảnh đổ nát hoang tàn khi bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá đến khi được phục dựng lại nguyên trạng vào năm 1997.
Ngoài ra, cuộc trưng bày còn dành một góc trang trọng để giới thiệu thân thế sự nghiệp của công chúa Nguyễn Thị Trinh, người nữ anh hùng đầu tiên hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định vào ngày 11/12/1873, cũng như một số hình ảnh tiêu biểu về Thành Nam xưa như Trường Thi Nam Định, thành cổ, các con phố cổ.../.
Cột cờ Nam Định. (Nguồn: Internet)