* Khán giả trung thành nhất của ông hẳn phải là vợ, con, cháu?
- Rất buồn là không. Nhiều nhà "Cha làm thầy-Con bán sách,,,,. Đã có thời gian con tôi mắc cỡ vì cha nó là một nghệ sĩ hát bội. Thời trai trẻ, tôi phải chia tay mối tình đầu của mình vì nàng không thích xem hát bội. Những người phụ nữ sau này tôi gặp cũng không ai ưa hát bội. Nhiều đêm ở nhà, một mình một bóng tôi ngồi coi mình diễn trên truyền hình.
* Có vẻ Phi lý quá! Chính ông là người rất tâm huyết, hào hứng tham dự chương trình sân khấu học đường giới thiệu tuồng với giới trẻ TP.HCM mấy năm nay?
- Gia đình tôi theo Nho giáo. Cha tôi là một công chức thời Pháp. Khi biết tôi mê hát bội, ông doạ "Muốn thêm của sắm cày/Muốn đi ăn mày lập gánh hát bội". Nửa thế kỷ tôi "dính" vào hát bội nhưng chưa đến độ phải đi ăn mày.
Đó, cha ông mình cấm mình, mình vẫn đi hát bội. Vậy tại sao giờ có điều kiện, mình không tìm cách đi gieo hạt giống yêu hát bội trong giới trẻ bây giờ; chỉ cho chúng thấy nghệ thuật tuồng đặc sắc ở lối diễn, bước đi, điệu roi, ánh mắt, hoá trang, phục trang... Biết đâu tìm ra được những đứa trẻ mê hát bội như mình ngày xưa?
* Khêu lửa tuồng trong giới trẻ hẳn phải nhọc nhằn?
- Đằng thằng mà nói, kết quả chương trình sân khấu học đường không được như chúng tôi mong đợi! Tụi trẻ đang hứng quá nhiều luồng gió giải trí. Lửa tuồng thì đang mong manh. Nhưng vẫn phải làm. Mưa dầm thấm lâu.
* Xưa, tuồng thường có ở hội hè, đình đám, tế sự. Lâu nay ở thành phố, tuồng vào nhà hát; người ta lại còn bán vé, thành ra có gì gượng gạo?
- Có đêm nhà hát không có tới 50 khán giả. Buồn dữ lắm.
* Thế thì "Tuồng phải hơi... truồng truồng mới có doanh thu"?
- Không thể chấp nhận như vậy được! Nhiều người Việt lơ là với hát bội, nhưng có những người nước ngoài quan tâm. Họ hỏi tôi, hát bội khác gì kinh kịch của Trung Quốc? Tuồng, hát bội, hát bộ... Nội cái tên ở ba miền đã khác nhau, dù về cơ bản giống nhau hình thức, điệu bộ... Người Nam Bộ vẫn công nhận miền Trung là quê hương Tuồng. hát bội Nam Bộ bị chê là lai Triều, lai Quảng do có những yếu tố gần với sân khấu Triều Châu, Quảng Đông (Trung Quốc). Có gì lạ? Đất Nam Bộ tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá nước ngoài. Hát bội cũng mang tính chất miền đất người dân đang sống, có chút biến đổi, phù hợp thị hiếu người xem.
Nam Bộ có một thời kỳ sung mãn của hát bội: từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 70 thế kỷ trước. Lục tỉnh Nam Kỳ ít nhất mỗi tỉnh một gánh hát bội. Thành thị, thôn quê người người xem hát bội. Chỉ tới những năm 30 khi cải lương xuất hiện, hát bội mới mất thế độc tôn.
* Khán giả sẵn lòng bật tivi coi mỗi ngày phim bộ dựa theo truyện kiếp hiệp của Kim Dung hay Cổ Long nhưng không thích coi hát bội vì tuồng xưa tích cũ? Vì văn tuồng súc tích quá, nghe mãi có khi vẫn không hiểu nổi?
- Tôi có viết chung kịch bản với ông Trương Huyền. Khắc phục bằng cách viết những vở tuồng tích cũ, nhưng lời lẽ sáng sủa, "tân thời" hơn một chút. Năm 2004 đã in cuốn Chất ngọc không tan gồm ba vở. Đang gấp rút hoàn thành cuốn sách tạm đặt tên Cái nhìn qua sân khấu hát bội miền Nam vào đầu 2005.
* Vì ngoài đời ông nhỏ nhẹ, nhã nhặn, nên chỉ thường đóng những vai chính diện?
- Vai tôi đóng thường là kép văn, không chỉ hiền, mà còn… nói nhiều. Hay đóng cả những vai vua nghiêm túc, vai lão quan.
* Các nhân vật trong tuồng hoặc thiện hoặc ác, hoặc trung hoặc nịnh. Mà con người thực không như vậy?
- Các nhân vật rõ ràng phân minh trong tính cách mới là tuồng. Muốn xem những nhân vật cá tính nhờ nhờ, mời xem những loại hình khác.