Song khi Thiên chúa giáo vào Việt Nam, những giáo dân vẫn thờ tổ tiên cùng với thờ Chúa.
Cũng giống như Trung Quốc, ở Việt Nam, tam giáo (Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo) phát triển mạnh trên bình diện chính trị, xã hội; nhưng trên bình diện dân gian nó không có vai trò lấn át tín ngưỡng bản địa và tục thờ cúng tổ tiên. Cho nên, trong gia đình, thờ tổ tiên vẫn là chính thống.
1. Thờ tổ tiên là một tín ngưỡng có từ khi chế độ gia đình thiết lập, trong cộng đồng bộ lạc nguyên thủy, khi gia đình đóng vai trò gì, người ta thờ cúng các vị thần khác - thần thiên nhiên và totem (vật tổ). Ở chế độ mẫu hệ, hình như việc thờ tổ tiên cũng rất mờ nhạt, chỉ đến khi sang chế độ phụ hệ, khi mà người đàn ông nắm vai trò quyết định trong xã hội, thì việc thờ dòng họ và tổ tiên mới có cơ hội. Tổ tiên đây là những người khai sinh ra họ của mình, song qua vài ba đời, người ta cũng không còn rõ những vị đó là ai, mà chỉ coi là gia tiên nói chung, ngay cả khi trong gia phả ghi rõ tên tuổi.
Bàn thờ tổ tiên thoạt tiên chỉ là một bịch thóc bằng đất được đắp ở chính gian gữa, trong bịch người ta để thóc giống, trên mặt bịch đặt bát hương và bài vị ghi tên tuổi gia tiên. Thóc cũng được coi là thần (thần mễ tiên sinh) và được thờ trân trọng. Dưới chân bịch thóc người ta có thể dán tranh thần hổ - vị thần tượng trưng cho các thế lực dưới đất. Tiền của nhiều lên, sự thờ cúng cũng phức tạp dần, nhưng chức năng thì vẫn như vậy. Trên hương án người ta bày theo tam sự hay ngũ sự. Tam sự là một bát hương, hai cây nến, ngũ sự là một bát hương, hai cây nến, hai cái mâm bồng. Rồi cứ thể đăng đối mà thêm vào đôi con hạc, đôi lục bình, đôi bát quả. Bài vị ban đầu có thể viết ra giấy, sau đó làm bằng gỗ, rồi làm hẳn cái ngai thờ, đặt bài vị vào ghế ngai, rồi hai bên cột gian giữa treo đôi câu đối, chính giữa trên cao treo hoành phi, cửa võng bằng vải hoặc bằng gỗ chạm khắc rồng phượng, rồi sập thờ đặt phía trước hương án, rồi thêm một hương án nữa, bày phía ngoài để đặt nhiều cỗ bàn đồ tế lễ. Sự thêm vào trong nghi thức cúng tổ tiên không làm thay đổi nội dung của nó, điều này chỉ nói lên do làm ăn khá giả mà người ta muốn dành nhiều sự kính trọng tốn kém hơn nữa cho tổ tiên.
2. Từ ông vua cho tới người dân, thờ cúng đầu tiên là thờ cúng tổ tiên. Việc thờ cúng này dần dà trở nên phức tạp khi nó được Nho giáo và các tín điều xã hội bổ sung rất nhiều nghi thức. Ngay cả bài vị tên tuổi của cha mẹ ông bà có một lối gọi riêng phức tạp. Nếu tính từ cha mẹ trở lên các đời trước, thì cha gọi là Hiển khảo, mẹ gọi là Hiển tỷ và ông bà là Tổ khảo và Tổ tỷ, rồi cao hơn nữa là Tằng tổ khảo và Tằng tổ tỷ, Cao tằng tổ khảo và Cao tằng tổ tỷ, Cao cao tằng tổ khảo và Cao cao tằng tổ tỷ. Ví dụ bài vị sẽ đề là Tổ khảo Nguyễn Công húy Đức Khiêm chi linh vị, kỵ nhật tam nguyệt thập nhị nhật (Dịch nghĩa: Bài vị của Ông là Nguyễn (công) húy là Đức Khiêm, giỗ ngày 12 tháng 3). Vua chúa xưa còn có tục tuẫn táng và tùy táng - tức là chôn theo người hầu còn sống và nhiều đồ dùng, đồ tế thật.
Những tục này ngày nay còn đọng lại trong nghi thức đốt vàng mã.
Nghi thức thờ cúng tổ tiên có thể đơn giản hoặc phức tạp và thay đổi tùy theo vùng miền; nhưng đều thể hiện phần nào đời sống tâm linh của một dân tộc. Từ đó chúng ta biết khơi trong gạn đục những giá trị cần thiết để xây dựng đời sống tinh thần phong phú, văn minh. Bởi, thờ cúng tổ tiên là một nếp sống đẹp, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Bạn đọc có thể xem serie phim về chủ đề văn hóa Tết, văn hóa thờ cúng tổ tiên trong chương trình truyền hình Sống đẹp, phát chính vào lúc 20g hằng ngày trên kênh VTV1, phát lại trên kênh VTV3 vào 17g53.
Một cảnh trong phim Cùng nhau đón Tết - Chương trình Sống đẹp