Câu chuyện về một gia tộc họ Trần ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) gần bốn thế hệ sống chết với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) trở nên độc nhất vô nhị tại miền Tây Nam Bộ.
Bên bờ kênh 12 chạy qua ấp Cầu Đồn, nhà ông Trần Hà Thủy nằm lụp xụp trong vườn cây. Bà con quen gọi ông là Năm Đờn bởi ông đờn hay, đóng đờn giỏi. Thân sinh của ông là ông Trần Văn Kía, 20 tuổi đã được thiên hạ biết đến nhiều bởi ngón đờn kìm, đờn guitar. Tiếng đờn hò, xự, xang, xê, cống của ông có sức hút kỳ lạ, thiên hạ nghe say, các con nghe mê. Ông Kía dạy con đờn từ lúc chúng lên năm lên sáu, sau này có người chơi thạo 4 - 7 nhạc cụ. Hơn 50 năm gắn bó cuộc đời với ĐCTT, năm 1988 ông Kía qua đời, con cháu, dâu rể lại nối nghiệp, giữ lấy tiếng đờn lời ca. Người con thứ ba Trần Hồng Nhạ, 63 tuổi, hiện chơi đờn cho các quán ca cổ ở Cần Thơ. Con trai út Trần Trung Thành tham gia Câu lạc bộ ĐCTT TP Cần Thơ. Vợ Út Thành tên Hoàng Bửu Hiếu, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, tác giả nhiều bài ca quen thuộc: Cần Thơ thương lắm áo bà ba, Êm ả lời ru... từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác vọng cổ. Thế nhưng theo nghiệp ĐCTT đạt "kỷ lục" vẫn là cha con Trần Hà Thủy.
Ông Hà Thủy có 4 người con, tất cả đều nặng nợ cầm ca. Bà Nguyễn Thị A., vợ ông kể lại: "Chồng tôi học đờn guitar lúc 7 tuổi, đến năm 18 cầm đờn đi khắp nơi theo đoàn cải lương Quốc Việt. Chừng có vợ con, ông trở về gia đình làm ăn sinh sống. Gần 40 năm qua, không ngày nào ông không cầm đờn. Chòm xóm có đám tiệc đều mời ông phục vụ. Liên hoan, hội thi cấp nào cũng có tên ông. Ở Sóc Trăng, ông là người thành thạo nhiều nhạc cụ nhất: tranh, cò, kìm, sến, guitar, violon, hạ uy vi. Mỗi lần ông kéo hạ uy vi, bà con xúm lại đông như hát bội. Ở miền Tây, ông là thợ đóng đờn duy nhất, đóng được 4 loại: guitar điện, guitar thùng, sến, kìm. Đờn ông làm kêu to, âm thanh hay nên đôi khi giá cao hơn đờn Sài Gòn nhưng dân chơi đờn vẫn chuộng. Gần đây, ông còn mày mò tự đóng thùng loa, trang bị dàn âm thanh để đờn ca hát xướng"...
Nhà ông Năm chật hẹp, tài sản không gì đáng giá ngoài mấy cây đờn gắn bó với ông mấy chục năm qua. Chỗ đóng đờn là mái lá che tạm chưa đầy 5m2... Vậy mà ở đó, cứ đêm cuối tuần, thanh niên trong xóm lại rủ nhau đến tập tành ca hát. Tỉnh tổ chức thi, ông cùng con trai Hà Giang tự nguyện tập dợt cho hàng chục "gà nhà" của huyện. Hà Giang được coi là "gà chiến", 2 lần đoạt giải nhất, nhì giọng ca hay toàn tỉnh, diễn viên xuất sắc hội thi thông tin lưu động 7 năm liền, nhận bằng khen của Ủy ban tỉnh, Tỉnh Đoàn... Anh tâm sự: "Tôi có thể nhịn ăn chứ không nhịn ca được. Mười mấy năm qua, đã hơn 100 lần tôi bước lên sân khấu lớn nhỏ, đem tiếng hát của mình đến khán giả thành thị, nông thôn. Còn sống còn ca. Giữa tháng 9.2004, tôi phải nhập viện gắn nắp sọ bên phải đầu. Lúc nằm trên bàn mổ chuẩn bị gây mê, tôi còn hát tặng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ 2 câu vọng cổ. Ước mơ của tôi là thành lập nhóm ĐCTT gia đình, người sáng tác, người đờn, người ca đều trong họ hàng".
Ông Năm Đờn phấn khởi nói về sự thành đạt của các con. Thanh Dũng năm nay 34 tuổi, vừa được công nhận là nghệ nhân violon. Anh vốn là học trò của ông Hai Thơm, chơi đờn từ 16 tuổi, hiện cùng Minh Huấn, Minh Phú đờn vọng cổ cho CVTV (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ). Kế Thanh Dũng có Minh Luân, công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Hậu Giang, cũng sở trường "cha truyền con nối". Con gái út Minh Tư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mỹ Tú, có chất giọng không làm hổ danh "con nhà nòi". Riêng Thanh Dũng có con gái đầu lòng, bé Trần Huỳnh Nhi mới 31 tháng tuổi đã hát trọn vẹn bài Dạ cổ hoài lang.
Trong cuộc đời ca hát, kỷ niệm vui nhất của ông Năm là lúc tham dự Liên hoan ĐCTT lần II-2003 khu vực Tây Nam Bộ. Lúc đó, trên sân khấu ông với Hà Giang là “tri âm tri kỷ”, bên xướng bên họa. Còn ông với Thanh Dũng là "đối thủ bất đắc dĩ": Sóc Trăng - Cần Thơ 2. Kết quả, đội Cần Thơ 2 được chọn vào vòng chung kết (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh). Ông Năm cười vui: "Con hơn cha là nhà có phúc".
Đưa tấm hình gia đình đoàn tụ, ông Năm chỉ tôi xem bé Huỳnh Nhi rồi bảo: "Sau này lớn lên, nó sẽ giống cha, giống chú. Vậy là nghiệp ĐCTT theo dòng họ này đến bốn thế hệ rồi"! |