Cấp bậc cao hơn bảo tồn
“Việc phân loại và công nhận di sản văn hóa theo các cấp bậc hiện nay (tỉnh, quốc gia, quốc gia đặc biệt) trái với các nguyên tắc của công ước mà Việt Nam đã ký kết”, một nghiên cứu của UNESCO phân tích.
Tác hại đầu tiên có thể thấy, theo UNESCO, việc phân loại dẫn đến mất cân bằng trong việc bảo tồn, trong đó có đầu tư trùng tu, tôn tạo. Theo một nghiên cứu, trong khi đền Hùng sớm được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia (1962), sau đó là Di sản quốc gia đặc biệt (2009), thì cũng trong tỉnh Phú Thọ, nhiều di tích, đền, chùa, miếu thờ Hùng Vương bị tàn phá qua chiến tranh hầu như không được tu bổ hoặc đã bị thay đổi chức năng. Do đó, những di tích này không còn là điểm diễn ra các lễ hội truyền thống của cộng đồng nữa.
Trường hợp được nghiên cứu trên phân tích chính là đình Cả của hai làng Vi, Trẹo. Đây là ví dụ tiêu biểu của việc chuyển đổi chức năng của cơ sở thờ tự trong không gian thờ cúng Hùng Vương. Theo tập tục, hai làng tổ chức lễ rước đón vua về ăn tết, trong đó có tục rước chúa gái từ đình của hai làng về đình Cả vào ngày 25 tháng chạp âm lịch. Sau khi trở thành kho thóc của hợp tác xã, đình chỉ còn là một nền đất trơ trọi, dùng làm nơi phơi lúa.
Một ví dụ khác cho thấy một khi di sản đã có chút “tước hiệu” thì việc bảo tồn cũng được chú ý hơn, bằng ngược lại rất dễ bị phá hủy. Đó là trường hợp đoạn Hoàng Thành trên đường Văn Cao - Hồ Tây (Hà Nội). Đây là đoạn thành chưa được xếp hạng di tích, chính vì thế, theo luật đơn vị thi công có thể phá bỏ mà không cần xin phép cơ quan văn hóa.
Việt Nam có thực tế riêng
Mặc dù vậy, khuyến cáo trên của UNESCO cũng vấp phải một số phản đối. Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nếu không phân loại, xếp hạng di tích thì không thể nào bảo vệ nổi các di tích. Và trên thực tế, do không thể bảo vệ tất cả các di tích nên phải phân loại để bảo vệ những di tích có giá trị hơn.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nêu ý kiến: Hiện tại đang có một xu hướng muốn phá bỏ di tích cũ để đầu tư, xây mới lớn hơn. Do đó, nếu không phân loại để quản lý mà để cộng đồng tự làm sẽ hỏng hết di tích.
GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, lại cho rằng việc phân chia di tích thành nhiều loại vốn đã được thực hiện từ thời phong kiến. Theo đó, các chùa cũng được chia thành đại danh lam, tiểu danh lam... Mặt khác, theo GS Tiêu, việc xếp hạng cũng đã được quy định trong luật Di sản.
PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: “Sai lầm của chúng ta trong rất nhiều năm gần đây cho thấy xếp hạng đồng nghĩa với đầu tư. Vì thế, việc xếp hạng trở thành các “dự án”. Nghĩa là người ta phải lo lắng sao đó để được xếp hạng, được quan tâm và đầu tư từ nhà nước. Điều này khác hẳn với việc xếp hạng để có biện pháp bảo vệ. Nhà quản lý cũng đừng nghĩ rằng chỉ đầu tư cho cái đã được xếp hạng, bởi có những thứ không có giá trị toàn quốc, nhưng với địa phương lại rất có giá trị. Vậy, cân bằng kinh phí đầu tư giữa những di tích không và có được xếp hạng cũng phải xem lại.
Ngoài ra, theo PGS Nguyễn Văn Huy, việc đổ xô vào xếp hạng để được đầu tư cũng hạn chế tính cộng đồng, đóng góp của cộng đồng với di tích. Bởi theo truyền thống, cộng đồng vẫn có những đóng góp cho di tích của chính mình.
Làng Đường Lâm đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2006 - Ảnh: P.T