Ông lão nhặt gốm
Mười sáu năm trước, ông Hồng (77 tuổi) nghỉ việc ở xưởng gốm để thảnh thơi tuổi già. “Nhặt chơi” theo lời ông chính là sáng ra chỗ lở bờ sông cách nhà chừng năm chục mét, thấy mảnh gốm cổ nào thì nhặt mang về nhà. Ông Hồng nhớ lại: “Gần ba chục năm tôi làm bát, lại phụ trách kỹ thuật nên thấy mảnh gốm cổ là biết ngay”.
Những mảnh gốm cứ thế theo chân ông về nhà. Sau nhiều năm, ghép những mảnh gốm có cùng độ dày, cùng hoa văn bằng keo, ông được chiếc đĩa thời Lý, đường kính 20 cm.
Rồi mấy người bạn cùng làng thấy ông gom gốm, cũng nhặt gốm giúp ông. Đều là dân làng gốm cả nên họ dư biết thế nào là gốm cổ. Dày có, mỏng có, xương đất khác nhau, men khác nhau, họa tiết cũng khác nhau. Con trai ông Hồng cũng theo bố, cứ có mảnh gốm cổ là đem về.
Khảo cổ học cộng đồng
Nhưng câu chuyện nhặt gốm không dừng lại ở đó. Tới năm 2000, ông Hồng cùng các cụ phụ lão trong làng viết thư thông báo về những mảnh gốm ở bãi lở gửi đến Viện Khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử. Rồi các nhà nghiên cứu về. Họ đào, ngạc nhiên và ngây ngất mãi không thôi vì ở đây có gốm trải dài suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ 7 tới 17. Sau này đào Hoàng thành Thăng Long, cũng phát hiện những viên gạch Giang Tây Quân giống như tìm thấy ở Kim Lan.
“Tại khu vực này, có dấu vết cư trú và sản xuất gốm. Trong một rãnh, chúng tôi tìm được rất nhiều đồ gốm sứ. Trong đó, chủ yếu là gốm đời Trần, niên đại khoảng thế kỷ 14. Đặc biệt, ở đây còn tìm thấy đồ gốm hoa lam. Tư liệu này rất quan trọng. Bởi đây là địa điểm đầu tiên tìm thấy bằng chứng sản xuất đồ gốm hoa lam cao cấp thế kỷ 14”, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành nhận xét.
“Mối duyên khảo cổ đó đã đưa TS Nishimura tới làng gốm và gặp ông lão mê gốm”, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học nói. “Đó cũng còn là mối duyên với khảo cổ học cộng đồng - rằng người dân hoàn toàn có thể làm khảo cổ. Cũng từ việc làm khảo cổ, họ sẽ thêm hiểu, thêm yêu truyền thống địa phương mình. Họ có thể phát hiện những dấu tích khảo cổ học ở địa phương, cung cấp tư liệu về nó một cách tuyệt vời”.
“Khi tôi và Nishi gặp nhau năm 2000, chúng tôi thấy ngay mình là đồng đạo, cùng ham tìm hiểu về lịch sử và nghề nghiệp. Anh ấy có lý thuyết. Tôi có thực hành”, ông Hồng nói. Chính ông cũng là người đã cung cấp nhiều tư liệu cho Nishimura để nhà nghiên cứu Nhật Bản này hoàn thành luận án tiến sĩ của mình về Việt Nam. Trong luận án của Nishimura, ông Hồng còn biết rất rõ, có chương 14 viết về làng gốm cổ Kim Lan.
Một trong những việc thường làm của dự án khảo cổ học cộng đồng là xây dựng một phòng lưu niệm, hoặc bảo tàng ở địa phương. Điều này, TS Nishimura lúc nào cũng muốn làm cho làng Kim Lan. Ông đã tìm nguồn tài trợ cho khảo cổ học cộng đồng từ Nhật Bản để làm điều này. Giờ đây, bảo tàng đã được xây dựng xong. Hiện vật trưng bày gồm những di vật mà các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp đào thấy. Bên cạnh đó cũng có những hiện vật mà người dân trong làng, trong đó có ông Hồng tìm được. “Tôi muốn tặng đồ vật cho bảo tàng. Như thế để người làm nghề phải biết về tổ tiên, làm bảo tàng để người làng nhớ về nghề nghiệp của ông cha”, ông Hồng chia sẻ.
“Có nhiều người nghi ngại về việc xây dựng khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam vì cho rằng dân trí cũng như sự tự giác của người dân chưa cao”, PGS-TS Nguyễn Giang Hải nói, “Tuy nhiên, thực tế khảo cổ ở Kim Lan cho thấy điều ngược lại. Người dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được khảo cổ học cộng đồng. Việc khánh thành bảo tàng ở Kim Lan đánh dấu trường hợp thành công đầu tiên của khảo cổ học cộng đồng ở nước ta”.
Người dân Kim Lan say sưa với bảo tàng làng mình - Ảnh: Ngô Vương Anh