Đây là ý kiến của một số doanh nghiệp xuất bản, phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Xuất bản, in, phát hành, do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/3.
Theo các doanh nghiệp, sách điện tử, sách kỹ thuật số hiện là vấn đề “nóng” nhất trên thị trường xuất bản, liên quan đến vấn đề bản quyền và việc xuất bản, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất bản, phát hành sách.
Tổng Giám đốc Công ty Fahasa Phạm Minh Thuận nêu dẫn chứng cụ thể về vấn đề này khi cho rằng nhiều loại thiết bị điện tử hiện nay đều có chức năng đọc sách và dễ dàng cài đặt các phần mềm đọc sách để sao chép miễn phí hàng nghìn tác phẩm, tiểu thuyết, truyện, tất cả đều không có bản quyền, như một máy iPad có thể chép cả nghìn truyện.
“Một cơ sở in lậu chỉ sai phạm một vài cuốn sách, tên sách, đằng này các máy điện tử như iPad chép cả nghìn tên sách nhưng không thể xử lý. Sách in lậu cũng có thể đối phó vì chúng vẫn phải được bán ra thị trường, nên chỉ là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã in, còn với sách điện tử sao chép lậu thì chưa có gì để chế tài, trong khi đó lại là sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ảnh hướng đến hoạt động của thị trường xuất bản, phát hành sách, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sách và xuất bản,” ông Phạm Minh Thuận chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp, xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản như một xuất bản phẩm bình thường và phải có các biện pháp chế tài, xử lý các vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm điện tử.
Vấn đề bản quyền chính là một trong những điều đặt ra khi xây dựng dự án Luật Xuất bản, in, phát hành theo hướng tạo điều kiện để hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển trong thời gian tới, đi cùng với việc tăng cường chế tài trong xử lý vi phạm và kịp thời điều chỉnh đối với một số vấn đề mà thực tiễn đặt ra, đồng thời thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)