Ông tộc trưởng Ma Ngọc Bảo với gia phả dòng họ (trái) và cụ Từ, người trông coi ngôi đền Trù Mật, đang giữ những tư liệu liên quan đến dòng họ Ma.
Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ), ông Ma Ngọc Bảo đưa cho chúng tôi xem cuốn gia phả của dòng họ đã được chuyển sang thành chữ quốc ngữ, với 79 đời tộc trưởng. Ông Bảo năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng trông vẫn rất tráng kiện, hiện nay là tộc trưởng thứ 77. Tộc trưởng đầu tiên là ông tổ Ma Khê mất năm 259 trước Công nguyên, thọ 95 tuổi. Người trẻ nhất trong gia phả là cháu đích tôn của ông Bảo: Ma Tân Thành, năm nay 7 tuổi, thuộc về đời thứ 79.
data/images/201203/hinhanh/30075256_hung vuong 2.jpg
Cụ Ma Văn Thực (1917-2004), thân sinh của ông Bảo, vừa theo Hán học , vừa theo Tây học, là người được cha mình là cụ Ma Văn Thị (1878-1950) giao cho giữ tộc phả và hàng năm lo việc cúng tế giỗ chạp tổ tiên. Ông Ma Ngọc Bảo trầm ngâm: “Thời chiến tranh, các bản gốc của gia phả bị hủy hoại hoặc thất lạc. Nhưng cha tôi đã kịp chuyển thành chữ quốc ngữ” . Sau này ông Bảo sao ra nhiều bản để gửi cho các chi nhánh dòng họ Ma ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…
Có rất nhiều điều mang tính truyền thuyết xung quanh cuốn gia phả dòng họ này, nhưng lại còn những dấu tích nằm trong dư địa chí miền trung du Phú Thọ. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ,
Nguyễn Hữu Nhàn cho biết: “Truyền thuyết về dòng họ Ma gắn liền với thời Hùng Vương thứ 18, đồng thời cũng gắn liền với những ngôi đền thờ, tên núi, tên sông nay vẫn còn tại tỉnh Phú Thọ. Đó là đền Kim Giao thờ ông Ma Khê, tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Tương truyền bộ tộc người Tày họ Ma dưới chân núi Đọi Đèn ở đây đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc, giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang”.
Họ Ma lúc này cũng xây thành lấy tên là Ma Thành, nhưng để tránh từ “ma” trong tiếng người Việt nên gọi là thành Mè. Nay ở thị xã Phú Thọ vẫn còn chợ Mè, bến (sông) Mè…
Thanh đao của dòng họ Ma (trái) và biển hiệu đền Trù Mật.
data/images/201203/hinhanh/30075338_hung vuong 3.jpg
Theo ông Ma Ngọc Bảo, kể từ sau đời cụ tổ Ma Khê, họ Ma lui về ẩn dật, làm ruộng. Mãi cho đến đời thứ 43, một người con của dòng họ là Ma Xuân Trường (930-966) đã đi vào sử sách nước nhà. Đó là thời nhà Ngô tan rã, đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân. Vùng phía Bắc do một người là Kiều Thuận cai quản với một vị tướng dưới quyền là Ma Xuân Trường. Trong cuộc chiến 12 sứ quân, Ma Xuân Trường có công giải cứu Kiều Thuận khi đã bị thương. Sau đó Ma Xuân Trường đưa cả họ tộc chạy lên Tuần Quán, Yên Bái thì qua đời tại đây, thọ 36 tuổi. Hiện ở Tuần Quán vẫn còn miếu thờ ông.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Ông đã không trị tội Kiều Thuận, mà để an dân, ông còn phong danh hiệu “Trung quân ái quốc”, và ban cho dân lập đền thờ.
Ngôi đền ấy giờ đây nằm bình yên, nép bóng bên con đường làng xanh tươi ở làng Trù Mật , thị xã Phú Thọ. Ngôi đền được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia này được xây vào năm 970 và nay đã được trùng tu nhiều lần. Nơi đây thờ “Cương nghị đại vương” Kiều Thuận và “ Ma tộc thần tướng” Ma Xuân Trường.
Người trông coi ngôi đền, mà dân là ở đây gọi một cách kính trọng là cụ Từ, râu tóc bạc phơ, đã ngoài 90 nhưng hàng ngày vẫn đạp xe tới đây để trông coi nhang khói. Cụ cho tôi xem những cuốn sách chữ Hán đã úa vàng ghi lại lịch sử ngôi đền. Những tờ giấy mềm tới mức cảm giác sẽ vỡ vụn ra ngay khi sờ mạnh tay, nhưng đã sống sót qua bao cuộc chiến tranh, và sống luôn trong tâm khảm của con cháu dòng họ Ma bây giờ…
Gắn liền tín ngưỡng thờ Hùng Vương
---------------------
Truyền thuyết về dòng họ Ma gắn liền với tín ngưỡng thờ Hùng Vương, mà tín ngưỡng này - theo lời nhà sử học danh tiếng Đào Duy Anh, gắn liền với sự hình thành một dân tộc: “Cuối thời Bắc thuộc , chúng ta thấy trong văn hóa của tổ tiên đã nổi bật những nét chung rõ rệt là sự sùng bái tổ tiên, những phong tục chung như nhuộm răng ăn trầu, búi tóc, những tập truyền chung như truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, truyền thuyết Nỏ thần v.v…”.
Nhà sử học Đào Duy Anh nhấn mạnh: “Song ở trên nền văn hóa chung ấy thì nổi bật tinh thần độc lập bất khuất nẩy mầm trong cuộc kháng chiến của người Lạc Việt chống quân Tần ở thế kỉ 3 trước Công nguyên, và được rèn luyện trong một quá trình đấu tranh hơn mười thế kỷ. Tinh thần ấy là tiêu biểu cho cái tâm lý chung, kết tinh của nền văn hóa chung, chính nó chứng tỏ hùng hồn rằng tổ tiên chúng ta có một ý thức dân tộc mạnh mẽ”. (*)
Những câu chuyện về ông tổ Ma Khê có từ thời vua Hùng thuộc về dạng truyền thuyết mà nhà sử học Đào Duy Anh gọi là “truyền thuyết khuyết sử”, nhưng lại trở nên rất thiêng liêng, là niềm tự hào của con cháu dòng họ Ma bây giờ.
Ông Bảo cho chúng tôi biết: “Vì dòng họ Ma rất đông, sinh sống ở khắp nơi nên năm 1902 các cụ đã họp lại, chia nhỏ thành ba nhóm cho tiện bề sinh hoạt cúng tế tổ tiên. Nhóm trưởng giữ ngọc phả của dòng họ, nhóm thứ hai giữ thanh đao thờ, còn nhóm thứ ba giữ ngựa gỗ thờ của tổ”.
Con ngựa gỗ giờ đã thất lạc, nhưng thanh đao sắt (ảnh) thì vẫn còn ở đền thờ Trù Mật, nơi con cháu dòng họ Ma hàng năm vẫn tụ hội về đây để tưởng nhớ cha ông.
(*) Theo Lịch sử Việt Nam – Đào Duy Anh