Từ 7 đến 16g, ngôi nhà Trịnh Công Sơn từng ở thời gian dài được gia đình mở cửa lần đầu tiên cho công chúng và người hâm mộ đến thăm.
Hướng về một tấm lòng
Từ sáng sớm, nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi đã có mặt tại nhà lưu niệm thắp nén nhang cho cố nhạc sĩ, xem lại những hình ảnh của ông lúc sinh thời, chụp ảnh kỷ niệm... Không ít người đã nán lại bên ấm trà, chuyện trò về người đã mất với niềm yêu thương.
Trong số những người có mặt tại nhà lưu niệm sớm nhất, một cô thợ may ngoài 40 tuổi cười xòa khi được hỏi tên và bảo rằng “cứ ghi là người hâm mộ nhạc Trịnh”. Cô cho biết đây không phải lần đầu cô đạp xe từ Q.Tân Bình đến nơi này.
Hào hứng kể về hai lần được gặp mặt xin chữ ký và chụp ảnh cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế và Bình Quới, cô còn cho biết: “Tôi nghe nhạc Trịnh từ thời con gái. Cái thuở mê đắm bài Hạ trắng, suốt ngày nghêu ngao câu Gọi nắng! Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay. Cho tay em dài gầy thêm nắng mai... Giờ làm thợ may nhưng tôi vẫn mở cassett nghe nhạc Trịnh suốt ngày. Khi còn sống nhạc sĩ sống rất nội tâm và không thích rườm rà nên lễ tưởng niệm ông cũng giản dị thế này thôi”.
Lần đầu đến đây, vợ chồng chị Liên ở Q.Tân Phú lặng lẽ thắp nén nhang rồi nán lại nghe mọi người chuyện trò về cố nhạc sĩ. Đứa con nhỏ vẫn ngủ say trên vai mẹ.
Chị Liên cho biết cả hai vợ chồng đều mê nhạc Trịnh từ thời trẻ nên khi biết thông tin về nhà lưu niệm ở cửa tiếp người hâm mộ, trùng hợp hôm nay là chủ nhật nên dù mưa gió cả hai vẫn đến thắp nhang cho người nhạc sĩ mà họ rất yêu mến, ngưỡng mộ.
Trong khi đó, dù đi lại vẫn cần đến gậy và vợ dìu nhưng nhà thơ Trương Hoài Tâm vẫn đội mưa đến thắp nhang và tặng thơ cho người bạn thời đi học của mình - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai mái đầu bạc nán lại một lúc rồi dìu nhau ra về khi trời vẫn rả rích mưa…
Nhạc Trịnh sống cùng thời gian
Xuyên suốt trong những câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là niềm biết ơn của người hâm mộ dành cho những sáng tác của ông.
Hải Du, sinh viên ĐH Y dược TP.HCM, tự nhận mình không phải là người am hiểu về Trịnh Công Sơn và nhạc Trịnh nhưng anh luôn nghe nhạc Trịnh khi buồn, khi vui vì: “Nhạc Trịnh với tôi như một lối thoát. Nghe nhạc Trịnh tâm hồn trở nên bình lặng, suy nghĩ tích cực hơn” - Hải Du cho biết.
Chú Lực, 63 tuổi, ở Hóc Môn, gửi xe tận đường Hai Bà Trưng để đi bộ sang nhà lưu niệm vì sợ không có chỗ gửi xe. Vẫn còn nguyên áo mưa trên người nhưng gặp các bạn trẻ nấn ná tại nhà lưu niệm, chú lại bắt chuyện, giảng giải về ý nghĩa của những ca khúc, những giai thoại về Trịnh Công Sơn mà mình biết được từ sách báo và bạn bè.
Chú Lực nói: “Nhạc Trịnh hay lắm các cháu. Từ Ngẫu nhiên, Tạ ơn, Để gió cuốn đi… bài nào nghe xong cũng thấy lạc quan, yêu đời, cũng thấy cuộc sống ý nghĩa lắm”.
Chặc lưỡi tiếc rẻ vì không mang theo máy ảnh, chú Lực hướng về di ảnh cố nhạc sĩ nói với hai bạn trẻ bên cạnh: “Trịnh Công Sơn khi còn sống không vợ, không con lại sống vì mọi người nên sống là người của công chúng, mất đi rồi vẫn được nhiều người thương”.
Ảnh: Không gian đậm không khí âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời - Ảnh: Hoàng Thạch Vân