Bây giờ, câu nói cửa miệng của mọi người khi đón khách trong năm mới là: "Chén trà là đầu câu chuyện", thay cho câu nói về tục ăn trầu không ngày xưa. Không những chỉ có chén trà mà cả việc chủ nhà mời khách nhâm nhi một ly rượu trong ngày đầu Xuân cũng là một nét mới trong nếp sống hiện đại ngày nay.
Tết, chí ít cũng phải là chén trà ngon. Mâm cỗ sáng mùng một Tết phải có chén trà tinh khiết, mới mẻ dâng lên tổ tiên. Khách đến xông nhà, bạn bè thân thuộc không thể ngồi suông, phải có khay trà. Loại xoàng cũng phải là trà "mạn hảo", là loại trà "mạn quí", đã ướp hương hoa sen từ nhiều năm trước để dành hoặc vừa ướp vào mùa hè. Ai ưa trà mộc thì dùng loại mốc cau (hoặc móc câu) cho mộc mạc.
Tiếp nhau bằng hương trà chứa đất trời tinh chất, nếu không thì cũng phải có tích trà nụ ướp hoa cúc chi hay thoảng mấy lát gừng chống rét trừ ho… chứ chẳng thể tiếp nhau bằng cốc nước lọc nhạt thếch, trắng như mắt ma… (nay người ta có thói quen tiếp nhau bằng nước khoáng hoặc bằng nước lọc tinh khiết đóng chai, nước lã mà đắt hơn cả bia chai, bia hộp).
Người ta nghiệm ra rằng, không thể tưởng tượng được một mâm cỗ long trọng hay một bàn tiệc cầu kỳ, cho đến một bữa ăn trong hôm đi du lịch, lại chỉ có dầy đặc bát sơn hào, hải vị, bào ngư, yến hấp, gà hầm, chim quay… mà không có cốc tách, chai lọ, bình bia, đựng thứ nước cam lồ mê tơi, ngây ngất mà người ta gọi là rượu. Ngay cả ngày đưa linh, mâm cơm cúng thổ thần nơi nghĩa trang, chỉ có miếng thịt đĩa xôi cũng phải có chai nửa lít để thần chứng nhận cho âm hồn mới nhập vào đất của thần, làm dân "mới" của thần. Nên mới có câu: "Vô tửu bất thành lễ".
Trong các cuộc tế, cỡ văn chỉ làng, văn chỉ huyện, văn miếu, tính đến "quốc tế", lễ tế đến tầm cỡ quốc gia, cũng không thể thiếu rượu, thậm chí còn dâng tửu nhiều lần. Lễ cúng ngoài trời , người ta cũng rót rượu xuống đất, xuống mái mồ, xuống cỏ xanh mặc dù biết chắc rằng "hồn" xưa không hề uống rượu bao giờ…Với người sống, hôn lễ là thiêng liêng, trước khi động phòng hoa chúc cũng phải có chén rượu uống chung gọi là rượu hợp cẩn.
Thời phong kiến, người ta đứng đầu cơ quan cao học, thường là quốc tử giám (tương đương với chức hiệu trưởng trường đại học ngày nay), là chức quan tòng tam phẩm hoặc tứ phẩm, được gọi là quan Tế tửu, có nghĩa là người dâng rượu lên Đức Thánh trong cuộc tế. Thưởng công cho ai, vua ban cho một chén rượu quí hoặc một bình rượu quí, đó gọi là Ngự tửu, còn vinh quang đến đời con cháu, được ghi vào gia phả.
Ai cũng biết thế, kể cả bình rượu thuốc, bình rượu rắn, chai rượu bổ (ít nhà không có) nhưng không thể thiếu chất cay cay, nồng nồng, là đà lảo đảo này. Còn có câu đàn ông tự bênh vực mình, nghe lâu thành quen, mặc dù nhiều bà, nhiều chị không công nhận: "Nam vô tửu như kỳ vô phong", đàn ông không có rượu như ngọn cờ trước gió, tức là cờ rủ xuống, là đồ hỏng, đồ bỏ vì rủ xuống thì làm được gì.
Một thế kỷ nay, Việt Nam mới bắt đầu có bia. Cho đến năm 40 của thế kỷ XX, bia còn là đồ uống xa lạ, với hãng bia Hommel, ta thường gọi là bia Ô mền, có nhãn là đầu con gấu. Ngày nay, bước sang thế kỷ XXI, bên cạnh các loại trà cùng các loại nước ngọt thì bia và rượu là đồ uống chính trong ngày Tết.
Rẻ tiền nhất (nhưng cũng ngon) là "quốc lủi" nấu bằng nếp cái ở trong quê ra. Ngâm nếp cẩm mầu tím hay bộ rắn, con cá ngựa, thang Minh Mệnh, con tắc kè hay cái gì đó của con dê… tuỳ thích. Rượu ngoại thì vô thiên lủng ở Hàng Buồm, chợ Hàng Da, các siêu thị, rẻ tiền thì bằng một yến gạo một chai, đắt tiền thì bằng năm lương của một cán bộ trung cấp, mỗi chai cũng cân tuốt… Rượu có tem và rượu lậu, rượu thật và rượu giả, rượu uống cho vui hoặc rượu uống cho đã khẩu, rượu tiếp khách hay rượu chỉ tiếp ông Lưu Linh trong thân thể mình.
Chắc ít ai biết rằng cách đây 5.000 năm, nước Hy Lạp cổ, tình cờ phát minh ra rượu vang, bởi hái nho về, chưa kịp phơi nó đã lên men, uống thấy cay cay, chua chua, ngây ngất… và kỹ nghệ làm rượu đã ra đời, người phát minh ra là thần Đi-ô-nô-dốt.
Ở ta từng có rượu ực. Rượu đựng vào bong bóng trâu, khoảng 3- 4 lít, cô gái đồng trinh buộc vào bụng, thò ra cái nút bằng nứa. Anh vào tu một ngụm, nuốt ực một cái là tính tiền, bao nhiêu ực, bấy nhiêu tiền. Rượu luôn ấm ấm, ấm là vì hơi bụng cô gái, dưới tà áo vải đồng lầm và cạp vát mà khối anh thành nghiện. Nên mới có câu:
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua đình ông Nghè
Ông nghè sai lính ra ve…
hoặc
Em là con gái Kẻ Mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh…
hoặc một câu ca dao khác nói về cái thức chất:
Rượu ngon chẳng kể be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may…
Khó khăn như thời bao cấp, ngành thương nghiệp còn phải bao cấp tem để mỗi gia đình được mua một nửa chai rượu chanh đựng vào từng chum, con gì rơi vào đấy mà chết thì cứ vớt đi mà bán, chẳng ai chê, vì chê thì Tết không có rượu, là hỏng Tết, (trà cũng được phân phối một gói).
Tết không thể thiếu hoa đào, càng không phải thiếu cỗ. Mà cỗ thì không thể thiếu rượu. Có khi rượu còn được thay trà để đón khách ngày xuân. Pha một ấm trà còn lỉnh kỉnh bộ đồ trà, nước sôi này này nọ. Còn rượu thì rót ra là xong, hớp một ngụm hay nhâm nhi từng hớp nhỏ cũng vui vui. Vì thế, nhiều người ra đường, mặt đỏ gay vì đến nhà ai cũng bị bắt uống rượu, mà từ chối thì… khó quá.
Tuy nhiên, uống rượu cũng không thể tuỳ tiện. Mỗi loại rượu đều được đựng vào một loại chai riêng, ly riêng. Nào cốc vại để uống bia, gọi là Bock, cốc dài uống bia sang trọng. Cốc có chân để uống champainge, cốc pha lê để uống rượu nhỏ, rượu nặng, cốc có thành cao để uống Cocktail, ly nhỏ uống rượu khai vị… phần lớn uống rượu ở cốc thuỷ tinh trong suốt, còn trà uống bằng tách, chén gốm, sứ, có quai hoặc không quai đặt trong khay sạch sẽ…
|