Hà Nội: Sâu lắng giai điệu tổ quốc"
Trong đêm giao thừa, tại quảng trường Cách mạng tháng Tám (trước cửa Nhà hát Lớn), Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức chương trình "Giai điệu Tổ quốc - Xuân Ất Dậu" với quy mô lớn, có sự tham gia của 500 diễn viên của các đoàn nghệ thuật trung ương, quân đội và Hà Nội. Tại Bảo tàng Dân tộc học VN: Từ mùng 2 Tết, triển lãm ảnh cổng làng cổ Hà Tây được khai mạc và trong 2 ngày mùng 4 & 5 Tết sẽ có nhiều chương trình biểu diễn và trò chơi dân gian hấp dẫn như múa rối nước, múa sư tử, kéo co, chọi gà, đi cà kheo, đốt cây bông.
Các địa điểm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hội chợ triển lãm VN (khu Giảng Võ), Trung tâm VHNT Việt Nam (khu Vân Hồ) liên tục diễn ra nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc. Từ đêm giao thừa đến mùng 3 Tết, ở 4 sân khấu ngoài trời (đền Bà Kiệu, công viên Thống Nhất, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thị trấn Văn Điển), các đoàn nghệ thuật của HN tiến hành nhiều chương trình nghệ thuật. Công viên nước Hồ Tây sẽ là một điểm sinh hoạt văn hoá thu hút đông người tham dự.
Trong dịp Tết, khu vực thành cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan. Một hoạt động độc đáo khác: CLB UNESCO nghiên cứu, bảo tồn các giá trị cổ vật dân tộc sẽ phối hợp cùng Hội Cổ vật Thiên Trường (Nam Định) tổ chức cuộc trưng bày khoảng 500 cổ vật, dự định khai mạc ngày mùng 8 Tết tại Nam Định (một ngày sau phiên chợ Viềng). Từ 0h ngày mùng 1 Tết, pháo hoa sẽ được bắn tại 8 điểm, trong 15 phút: Hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Ngọc Khánh, công viên Thống Nhất, bán đảo Linh Đàm, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, hồ Thạch Bàn, sân vận động Đông Anh.
TPHCM: Rước bánh dâng cúng tổ tiên
Hai chương trình chính của lễ hội Xuân Ất Dậu diễn ra từ ngày 7 đến 10-2 tại trung tâm thành phố là đường hoa xuân Nguyễn Huệ và lễ hội rước bánh tét kỷ lục thế giới. Kéo dài gần 1km, đường Nguyễn Huệ được trang trí lộng lẫy bởi 1.000 chậu hoa với 50 loại hoa khác nhau. Đặc biệt, tại khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chậu mai vàng đẹp nhất, quý nhất sẽ được đặt để du khách thưởng lãm trong các ngày xuân.
Hai bên đường Nguyễn Huệ được thiết kế như hai bờ sông hoa với những trụ hoa tươi cao khổng lồ. Năm nay, đường hoa mang chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - phát triển và hội nhập". Ở lễ hội hoa năm nay sẽ xuất hiện các gánh hoa, thuyền hoa, ao sen, vườn mai bố trí ở không gian rộng hơn, và đan xen trong đường hoa là các hoạt động văn nghệ sôi nổi. Những chiếc xe thổ mộ cổ làm người xem nhớ lại Sài Gòn xưa và góc thư pháp gợi không khí Tết.
Lễ hội rước bánh và dâng cúng tổ tiên diễn ra chiều mùng 2 Tết. Khu du lịch Đầm Sen sẽ đảm nhận gói bánh. Bánh tét nặng chừng 2,5 tấn, nhưng được đầu tư hơn về chất lượng. Một chiếc lò mới được xây để nấu hai bánh một lượt (kích thước dài 7,5m, ngang 3,1m, cao 2,2m). Hai đòn bánh tét năm nay được trang trí nhân cách hoá thành hình ảnh cặp vợ chồng gồm bánh Ông và bánh Bà. Xe chở bánh sẽ được trang trí hình chú ngựa, trong đó một chiếc được trang hoàng vòng tre để rước bánh Bà. Bánh do 15 người làm công việc sơ chế, 30 người gói và 15 người nấu. Tại lễ hội, bánh tét khổng lồ sẽ được chia cho người dân thưởng thức. Vào tối 12 Tết, chiếc bánh còn lại tiếp tục được cắt ra mời du khách tại Đầm Sen.
Theo kế hoạch, lễ đón bánh tổ diễn ra lúc 18h tại quảng trường Quách Thị Trang với sự tham dự của 400 người, biểu diễn trống xà dăm, mùa hẩu, rồng nhang, long mã Lễ rước bánh sẽ diễu hành qua các phố. Tổng kinh phí cho lễ hội và đường hoa này là hơn 4 tỉ đồng.
Lễ hội đèn hoa 2005 truyền thống của cộng đồng người Hoa tại TPHCM được khai mạc tối 3.2 tại Trung tâm Văn hoá quận 5. Gần 50 chiếc đèn lồng to nhỏ dăng khắp nơi rực rỡ. Hai chiếc đèn lồng lớn nhất có tên gọi là Sung túc và Phát tài, mỗi chiếc có đường kính 3m. 100 con lân, rồng của 14 đội lân-sư-rồng sẽ tham gia lễ xuất quân. Sau nghi thức "khai quang điểm nhãn", các đội lân-sư-rồng hoạt động rầm rộ cho đến ngày Nguyên Tiêu.
Hội hoa xuân khai mạc từ 20 tháng chạp âm lịch tại công viên Tao Đàn, kéo dài đến 13.2. Trên diện tích 6.000m2 sẽ là thảm hoa, chim, đá, cá cảnh với trên 4.000 hiện vật, tăng gấp rưỡi năm 2004. Hơn 900 nghệ nhân trong nước và nghệ nhân của Đài Loan, Singapore, Thái Lan tham dự. Đặc biệt, hội hoa có phòng triển lãm hoa xứ lạnh, chủ yếu là hoa địa lan ở Đà Lạt, hoa Thái Lan và Đài Loan (bộ sưu tập 40 loài hoa sứ).
Lúc giao thừa, pháo hoa sẽ được bắn tại 4 điểm: Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, Trung tâm TDTT quận 8, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và Ngã tư Giếng Nước.
Đắc Lắc: Rực trời pháo bông Bình Đà
Ông Hoàng Chuyên - Phó GĐ Sở VHTT Đắc Lắc đã "tiết lộ" với phóng viên Lao Động: "Chúng tôi đã lên chương trình kế hoạch và đã tập dượt cả tháng nay rồi. Hàng trăm diễn viên và cán bộ, nhân viên của ngành văn hoá không được nghỉ Tết trọn vẹn để tham gia các hoạt động văn hoá. Từ ngày 3.2, chúng tôi khai mạc triển lãm ảnh mang tên "Việt Nam đất nước tôi", gồm 100 bức, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người VN trên khắp mọi miền tổ quốc của tác giả Trúc Hoài. Đêm 30 Tết, tại quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi tổ chức đêm ca nhạc hoành tráng mừng Đảng, mừng Xuân và sau đó, tiến hành bắn 180 dàn pháo hoa, do các nghệ nhân pháo của Bình Đà (Hà Tây) thực hiện.
Cũng từ ngày 3.2, 12 đội chiếu bóng lưu động và các đội thông tin lưu động của các huyện sẽ toả đi khắp các buôn làng ở vùng sâu vùng xa và liên tục chiếu phim, biểu diễn cho tới ngày 10.3 phục vụ đồng bào, gồm các phim đang được dư luận chú ý như "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Người đàn bà mộng du", "Khi đàn ông có bầu", "Lấy vợ Sài Gòn", "Tình biển"... Dù năm nay nhiều vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc bị hạn lớn, mất mùa trầm trọng, nhưng lãnh đạo tỉnh đã quán triệt các ngành, các cấp kiên quyết không để đồng bào thiếu đói và không có Tết kể cả vật chất và tinh thần.
PV Báo Lao Động đã đến buôn Kô Sia - nơi có đội chiêng nổi tiếng nhất Tây Nguyên, được ông Ma Lu cho biết: "Năm nay tỉnh quan tâm tặng cho mỗi buôn 2-3 triệu đồng để tổ chức cho nhân dân vui Tết, nên chúng tôi sẽ cho thanh niên làm cái hái hoa dân chủ, đánh bóng chuyền giữa các khối, các buôn. Đội chiêng của buôn cũng đang tập luyện thêm các bài mới cho quen, cho dẻo cái tay để phục vụ đồng bào trong buôn và biểu diễn nhân "Những ngày văn hoá TP Hồ Chí Minh tại Đắc Lắc" (cuối tháng 2.2005) và 30 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10.3)...".
Khánh Hoà: Lễ hội văn hoá hướng về cơ sở và gắn kết với hoạt động du lịch
Chương trình văn hoá - nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân đã được ngành VHTT tỉnh Khánh Hoà phối hợp với các đơn vị, địa phương chuẩn bị, dàn dựng, luyện tập từ 2 tháng trước. T.S Nguyễn Văn Khánh - GĐ Sở VHTT Khánh Hoà - cho biết: "Khoảng 30 đầu việc đã và đang được triển khai tại 12 tụ điểm sinh hoạt văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh. Các đoàn nghệ thuật và đội chiếu phim lưu động đã xếp kín lịch biểu diễn từ 24 tháng chạp đến mùng 3 Tết Ất Dậu. Tinh thần chỉ đạo của ngành là tập trung về cơ sở, phục vụ đồng bào, chiến sĩ miền núi, hải đảo và các thôn, buôn ở vùng sâu vùng xa. Riêng tại TP Nha Trang và thị xã Cam Ranh các hoạt động lễ hội gắn liền với du lịch nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi và thu hút sự quan tâm của công chúng vào các sinh hoạt văn hoá lành mạnh."
Một sân khấu trang trí lộng lẫy bên bờ biển để biểu diễn văn nghệ, hội thi múa lân và lễ hội đón giao thừa. Có 3 tụ điểm lớn thường xuyên biểu diễn văn nghệ phục vụ quảng đại quần chúng là Quảng trường 2.4, Tháp bà Ponagar và Nhà thông tin - triển lãm. Khách sạn Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang tổ chức nấu cây bánh tét dài 30 mét cùng khai hội với du khách đúng vào đêm 30 Tết. Trung tâm du lịch 4 mùa của Cty Du lịch Khánh Hoà lần đầu tiên thử nghiệm đưa các dịch vụ giải trí về đêm xuống sát bờ biển... Dự báo, lượng khách quốc tế đến Nha Trang sẽ tăng mạnh trong kỳ nghỉ tết. Khoảng 90% số phòng của các khách sạn lớn ven biển đã được đặt trước đến ngày mùng 5 Tết. Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vừa dàn dựng thêm 2 vở mới và nhiều trích đoạn tuồng, trò diễn dân gian để biểu diễn phục vụ tour không hạn chế thời gian.
Ông Võ Lâm Phi - Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà - phấn khởi thông báo: "Mừng 1 năm hoàn thành xuất sắc toàn diện các chi tiêu kế hoạch nhà nước với kết quả thu ngân sách vượt ngưỡng 3.000 tỉ đồng, giao thừa năm nay tỉnh Khánh Hoà tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa điểm là TP Nha Trang và huyện miền núi Khánh Vĩnh".
Hậu Giang: Thả đèn ước vọng
"Ngày hội Văn hoá - Thể thao mừng Đảng, mừng xuân Ất Dậu 2005"diễn ra từ 25.12 (âm lịch) đến mùng 2 Tết với nhiều hoạt động như: Triển lãm ảnh, Hội Báo xuân, Hội thi Cắm hoa - Trình bày mâm ngũ quả... Trọng tâm chính là chương trình Lễ hội Giao thừa được tổ chức tại Khu Văn hoá Hồ Sen, diễn ra từ 19 - 23 giờ 30 đêm 30 Tết, gồm các tiết mục: Múa lân - sư - rồng khai hội, vui Hội Hoa đăng, biểu diễn văn nghệ, bắn pháo hoa...
Theo ông Dương Thanh Tùng - Tổng đạo diễn chương trình lễ hội, hồ Sen được mở rộng không gian biểu diễn, tạo sự hạnh tráng với việc sử dụng mặt hồ để thể hiện các hình tượng: 75 hoa đăng mang biểu trưng chào mừng 75 năm Ngày Thành lập Đảng, hình tượng búp sen và chú gà thể hiện ý tưởng mới Hậu Giang đón mừng xuân Ất Dậu; kết cấu các loại đèn bay lên không là hình tượng biểu trưng cho ước vọng Hậu Giang chắp cánh bay cao... Tỉnh Hậu Giang đã mời một số nghệ sĩ có tên tuổi trong nước tham gia biên đạo, dàn dựng chương trình lễ hội này.