Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.845 tác phẩm
2.760 tác giả
270
122.993.622

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thuyền cổ dưới lòng sông Đuống
Những thợ lặn chuyên trục vớt đồ cổ đã vớt được một chiếc thuyền xưa tại xoáy nước ở vực sâu 15 m trên sông Đuống, đoạn trước lăng Kinh Dương Vương, Bắc Ninh.

 

Chiếc thuyền giờ đang nằm tại sân nhà của ông Lê Thành Nghị, một giáo viên ở xã Thuận Thành, Bắc Ninh. Với kích thước 9,7 m×0,84 m, chiếc thuyền gỗ đã ngả đen. Ông Nghị đã mua chiếc thuyền này khi thợ lặn gọi điện thoại mời chào, nhưng không tiết lộ giá.

 

“Thợ lặn vớt được chiếc thuyền này lên từ tháng 1 năm nay. Nói đúng ra, họ đã phải gỡ và tháo nó lên từ lòng sông vì khi được phát hiện, thuyền úp vào một chiếc thuyền khác, buộc lại với nhau bằng một loại lá cây giống như lá dừa. Chính vì vậy, khi tách ra được thì chỉ còn một chiếc nguyên vẹn. Trong lòng thuyền không có đồ vật gì. Thuyền không có mái chèo, cũng không có dấu hiệu dùng chất dính vào nhau”, ông Nghị cho biết.

 

Có mặt tại nhà ông Nghị, TS Vũ Thế Long - nguyên Trưởng phòng Môi trường và con người (Viện Khảo cổ), cho biết: “Tuy chưa xác định được niên đại chính xác, nhưng tôi nghĩ đây là một con thuyền cổ còn nguyên vẹn”. TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ, đánh giá: “Đây là chiếc thuyền độc mộc thực thụ. Từ mô tả hai con thuyền úp buộc vào nhau, có thể thấy lúc bị vùi sâu dưới lòng sông, thuyền không thực hiện chức năng vận chuyển. Rất có thể khi đó chúng đang ở bến đỗ hoặc đang ẩn giấu. Bên cạnh đó, việc phát hiện thuyền ở đoạn sông sâu, giao lưu nhiều làn nước lại làm xuất hiện giả thuyết về việc thuyền trôi dạt do hiểm họa”.

 

Vì không được xem trực tiếp thuyền và không có hiện vật kèm theo nên TS Liêm cho rằng khó đoán định hiện vật chính xác về loại hình, niên đại. Tuy nhiên ông rất chú ý đến việc đoạn thân gỗ kê dưới thuyền hiện nay có được phát hiện cùng 2 thuyền không. Bởi kiểu dáng và chất liệu gỗ (đặc biệt sau khi đưa lên khỏi nước) gần giống kiểu cọc Bạch Đằng. “Tôi cho rằng nếu xác định được niên đại gắn với địa danh vùng này thì đây là tư liệu tốt để nghiên cứu về không gian văn hóa tại đây”.

 

Về điều này, ông Nghị cho biết miếng gỗ kê thuyền đã được ông mua rất lâu trước khi mua thuyền cũng từ những người trục vớt. Đó chính là cọc của sông Dâu ngay trước cửa thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh). Như vậy, hiện tại trong nhà ông Nghị có tới hai hiện vật khảo cổ học dưới nước.

 

Chiếc thuyền độc mộc trong sân nhà ông Nghị - Ảnh: Lê Thành Nghị

 

 

Trinh Nguyễn - TNO