Hò Đồng Tháp là một điệu hò hay mang tính dân gian được liệt vào danh mục bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhưng đã bị mai một, mất dần theo năm tháng cần phải phục hồi và phát triển.
Chủ biên công trình nghiên cứu này là nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian - nhạc sỹ Cao Văn Lý, người con của quê hương Đồng Tháp. Ông Lý cho biết hò Đồng Tháp xuất hiện từ trước những năm 1950 của thế kỷ trước, một điệu hò rất hay, nó có sức lôi cuốn, hấp dẫn mọi người một cách kỳ lạ với những âm điệu trầm, bổng, cao vút.
Lời hò Đồng Tháp đều xuất phát từ thơ lục bát, song thất lục bát hoặc từ ca dao tục ngữ. Điệu hò đã đồng hành cùng các đoàn văn công biểu diễn khắp nơi phục vụ đồng bào, chiến sỹ trong vùng kháng chiến thời đó của tỉnh Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp).
Khi tập kết ra Bắc (1954), những người con quê hương Đồng Tháp đã có những năm tháng ngày Bắc, đêm Nam, lòng luôn hướng về quê hương, nơi có con sông Cửu Long quanh năm chở nặng phù sa cho bãi bồi bến lở, nơi có Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay với nửa năm nắng hạn, một mùa nước dâng.
Chính nơi đây đã sản sinh ra một điệu hò kỳ diệu, nó len lỏi và sống mãi trong tâm hồn mọi người, một tâm hồn chứa đựng những hoài niệm, những ký ức, những ước mơ cháy bỏng. Đêm Tháp Mười thanh vắng nghe một giọng hò lảnh lót ngân vang và hòa tan vào khoảng không gian cao vời vợi nghe mà nhớ, mà đau thắt lòng.
"Giọt lệ chia ly trĩu nặng lòng người chiến sỹ
Buổi trùng phùng ta giữ kỹ trong tim
Dù cho đá nổi mây chìm
Đố ai ngăn được cánh chim về đàn"
Tiếng hò vang xa như kéo cả không gian bao la xích lại gần với âm điệu trầm, bổng, cao vút đã làm xúc động lòng người. Thế mà điệu hò Đồng Tháp đã bị mai một, mất dần đi trong cuộc sống hiện tại .
Để phục hồi và phát triển điệu hò Đồng Tháp (di sản văn hóa phi vật thể), tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn 2. Tổ chức các lớp tập huấn hò và sáng tác lời mới hò Đồng Tháp cho các diễn viên, nghệ nhân hát dân ca, nghệ nhân tài tử, tác giả đang hoạt động trong phong trào văn nghệ quần chúng nắm được nguyên tắc hò và sáng tác lời hò ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản; đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương, thu hút khách tham quan qua điệu hò Đồng Tháp./.