Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
643
123.242.420

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Phạm Cao Củng - Người VN đầu tiên thành danh với tiểu thuyết trinh thám
Cho đến đầu thế kỷ 20, văn học VN vẫn chưa có những thể loại tiểu thuyết giàu trí tưởng tượng như võ hiệp và giàu óc phán đoán như công án của văn học Trung Quốc. Riêng về tiểu thuyết trinh thám tới giữa những năm 20, Thế Lữ mới xuất bản Tiếng hú hồn mụ Ké, và một vài truyện mang yếu tố trinh thám khác. Rồi tiếp đó là Lê Văn Trương với Những cảnh hoang tàn của Đế Thiên Đế Thích...

Người đầu tiên có công thử nghiệm việc bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám phương Tây thì chỉ có một mình Phạm Cao Củng. Thế nhưng bấy nay trên diễn đàn văn học VN hiện đại... tác giả này lại bị bỏ quên và chỉ gần đây mới được nói tới trong bộ Từ điển văn học mới xuất bản.

Sau đây là cuộc trò chuyện với PGS, TS Phạm Tú Châu, người viết mục từ này.

* Xin bà cho độc giả hiểu rõ hơn một chút về những chi tiết chung quanh Phạm Cao Củng.

- Ông là tác giả của các truyện Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Cái kho tàng nhà họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942), Đám cưới Kỳ Phát (1942)...

Về giá trị tác phẩm, sinh thời chính nhà phê bình Vũ Ngọc Phan - tác giả bộ Nhà văn hiện đại, đã nêu lên nhận xét tổng quát: "Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn!".

Ngoài loại truyện trinh thám - suy luận trên đây, Phạm Cao Củng còn viết một loạt truyện trinh thám - mạo hiểm, khi ký tên Phượng Trì như Bàn tay sáu ngón, lúc ký tên thật như Hai người lên máy chém (1950); Người chó sói (1950), Chiếc gối đẫm máu (1951)... mà nhân vật trung tâm là Tám Huỳnh Kỳ.

* Theo bà, cái đặc sắc của truyện trinh thám- suy luận của tác giả này là gì?

- Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám suy luận của Phạm Cao Củng là tuy vay mượn một thể loại văn học phương Tây nhưng ông đã VN hóa rất tài tình, cộng thêm phần sáng tạo riêng có. Những nhân vật và khung cảnh trong truyện của ông đều có tính chất VN, hợp với trình độ người Việt hiện thời, không nhặt nhạnh những mẩu truyện ly kỳ của Tây phương và cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt lai Pháp.

Đặc biệt, nhân vật thám tử Kỳ Phát đã được Phạm Cao Củng gán cho những phẩm chất vốn được ưa chuộng ở phương Đông như coi khinh quyền thế giàu sang, đồng tình với người dân thấp hèn, không quản mạo hiểm nguy nan, thù lao nhiều ít để làm sáng tỏ chính nghĩa. Khác với Sherlock Homes, Kỳ Phát tôn trọng pháp luật, song càng tôn trọng tình cảm và đạo đức hơn, do vậy nhân vật thám tử này có bóng dáng của hiệp sĩ nghĩa khí trong tiểu thuyết cổ Trung Hoa.

Án phá xong, Kỳ Phát không bao giờ nhận tiền thù lao, thậm chí khi được hưởng một phần cái gia tài "không biết bao nhiêu là thoi vàng bạc và cả đống châu báu, chàng đã lẳng lặng bỏ đi... Chàng có đầy đủ phẩm chất của một tài tử lãng mạn, đa tình, nhưng lại phù hợp với "trình độ, tri thức và cuộc sống của người VN" nói chung lúc đó.

Bản thân tác giả cũng từng tâm sự: "Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mìnhVì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, và vai chính cần phải có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam".

Phạm Cao Củng là người hết sức chú ý tới bố cục của truyện. Vào truyện, ông dẫn độc giả theo một con đường ngắt ngoéo, đi ngược lại chỗ khởi đầu và dọc đường thỉnh thoảng lại làm như bị lạc cốt buộc trí óc độc giả phải luôn luôn làm việc, suy đoán thế này thế khác, cuối cùng mới đi tới một đoạn kết không ngờ.

* Ở Việt Nam và phương Đông, thể loại trinh thám vốn dĩ không được coi trọng và bấy nay chỉ được xếp vào dòng văn học hạ cấp. Ngay tác giả Phạm Cao Củng cũng nhận rằng mình chỉ là một anh thợ viết không hơn, không kém, vì cuộc sống mà kéo cày trả nợ áo cơm...

- Mục đích làm văn của Phạm Cao Củng đúng là không cao sang như ta hay nghĩ. Nghề chính là viết văn, làm báo, ngoài ra kiêm thêm nghề chụp ảnh, quay phim, tổ chức đoàn kịch, hội họa, thôi miên, tướng số... bất cứ nghề gì có thể kiếm sống nuôi gia đình được là ông đều làm qua. Có lúc ông còn phát hành theo lối bán lẻ 3 xu từng tập truyện dày 16 trang (từ đây mà có danh từ "tiểu thuyết ba xu").

Với tiểu thuyết trinh thám, ông có những đóng góp đặc sắc trong việc bản địa hóa một thể loại văn học tiếp thu từ phương Tây. Hiện tượng Phạm Cao Củng cho thấy nhà văn và bạn đọc trẻ lúc bấy giờ khao khát được thể nghiệm, được đón đọc một thể tiểu thuyết lạ có sự gợi mở về trí tuệ. Theo tôi, thể loại văn học không phân chia sang hèn, có chăng là ở tài năng của tác giả cao thấp mà thôi.

Sau Phạm Cao Củng, đầu những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước, loại truyện điều tra hình sự, tình báo, gián điệp từ Liên Xô và các nước Đông Âu cũng liên tiếp được dịch ở nước ta. Một số nhà văn VN cũng cầm bút viết nên những tác phẩm của mình. Chỉ có điều tiểu thuyết trinh thám theo đúng nghĩa ban đầu của thể loại thì cho đến nay, đáng buồn là chưa có nhà văn VN nào vượt qua được Phạm Cao Củng!

* Vậy ý định của bà là...

- Tôi muốn đánh giá lại lịch sử văn học VN một cách khách quan, toàn diện. Hiện, tôi đã tập hợp được một số truyện của tác giả, định in lại thành tập. Trong Từ điển văn học bộ mới, lần đầu tiên có tên Phạm Cao Củng song tôi cũng chưa viết được hết ý.

- Theo Thể Thao và Văn hóa