Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.845 tác phẩm
2.760 tác giả
415
122.991.045

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sau một đêm nhạc đẳng cấp…
Một chương trình biểu diễn nhạc cổ điển thực sự đẳng cấp ở Việt Nam nhưng khán phòng hơn 500 ghế sang trọng giữa Thủ đô không thể lấp đầy và những thông tin về nó cũng chìm khuất trong dòng thác truyền thông.

 

Chương trình recital độc tấu piano của nghệ sĩ Roger  Muraro mới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội có lẽ là một trong  số rất ít những chương trình nhạc cổ điển thực sự đẳng  cấp ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù đây đã là năm thứ ba  liên tiếp anh đến với  công chúng Thủ đô, những người  đã nghe anh từ hai năm trước, vẫn mong đợi và đón  tiếp anh với những tràng pháo tay nhiệt thành và sự  lắng nghe chăm chú hiếm có. Có điều một đêm nhạc  tuyệt vời như thế, ở một trình độ không hề thua kém  so với cả những chương trình Hennessy cổ điển đình  đám nhất, hoặc những đêm diễn hiếm hoi của danh  cầm Đặng Thái Sơn, lại không đủ lấp đầy một khán  phòng nhà hát lớn hơn 500 ghế ngồi và như bị chìm đi  trong đời sống văn nghệ không mấy sôi động. Có thể  có nhiều lý do, và có lẽ cũng có nhiều điều cần suy  nghĩ và chia sẻ.

 

 

Thứ nhất phải thừa nhận rằng Roger Muraro không  phải một thứ tên tuổi “lừng lẫy” và “phổ thông” trong  công chúng nghe nhạc cổ điển đông đảo, và do vậy  không được công chúng yêu nhạc Thủ đô biết đến  mấy. Tuy nhiên, trong giới chuyên môn anh chắc  chắn có một vị trí không nhỏ. Chỉ đạt giải tư trong  cuộc thi Tchaikovsky nhưng anh cũng đủ lưu một ấn  tượng mạnh mẽ đến nỗi một lưu học sinh ở Nhạc  viện Tchaikovsky, nay là một giảng viên tên tuổi của  Học viện Âm nhạc Quốc gia, khẳng định Roger là  “người đánh Debussy hay nhất thế giới”(!). Được coi  là chuyên gia trình tấu Messiaen và đã từng thu hết  các tác phẩm viết cho piano của tác giả này, sự “nổi  tiếng” đến với anh hơi muộn. Đầu năm ngoái, anh thu  Symphony Fantastique của Berlioz, bản chuyển soạn  cho piano của Liszt, với Decca (là nội dung phần thứ  hai của đêm độc tấu piano vừa qua) và mới đây là  Concerto  của Ravel với Deutsche Gramophon, hai  hãng đĩa cổ điển tiếng tăm nhất thế giới.

 

Lý do thứ hai, Trung tâm Văn hóa Pháp, đơn vị tổ  chức, có lẽ chưa chú trọng đến việc quảng bá giới thiệu  chương trình một cách xứng đáng. Tất nhiên chúng ta  không thể so sánh Trung tâm Văn hóa Pháp và những  đêm nhạc như thế này với bộ máy quảng cáo tiếp thị  của Hennessy, nhưng sự tương phản quá lớn giữa hai  chương trình khiến người ta không thể không chú ý.

 

Năm ngoái, cùng nhạc Pháp là thực đơn chính, một bên  (Hennessy Concert) là những khúc arias phổ biến “bình  dân” dễ nghe đại chúng, một bên (Roger Muraro) là  Ravel và Debussy, những tác giả tác phẩm “đặc” Pháp,  đòi hỏi một lớp khán giả chọn lọc và có trình độ. Năm  nay cũng không khác gì mấy, có điều Sarah Chang thực  sự là một ngôi sao đáng ngưỡng mộ, nhưng cô chỉ biểu  diễn mỗi tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi, một tác phẩm  hết sức phổ thông, không quá khó, và chưa đến 40  phút, trong khi đó Roger Muraro không có tiếng tăm  bằng, nhưng đánh một chương trình dài hơn hai tiếng  với những tác phẩm “cực” khó trong nhạc mục piano.

 

Phải chăng việc chọn những tác phẩm trình tấu  “khó” nghe “khó” đánh của người nghệ sĩ tài hoa này  cũng góp phần khiến âm nhạc của anh chưa được công  chúng Thủ đô chúng ta quan tâm đúng mức? Đêm recital  vừa qua, phần đầu tiên là Waldszenen của Schumann,  quả thực có hơi “khó” nghe, đòi hỏi sự tập trung, và khán  giả của chúng ta có vẻ như còn đang “ổn định chỗ ngồi”,  chưa thực sự “cảm” được. Nhưng đến hai tác phẩm sau,  đều là chuyển soạn của Lizst cho đàn piano, hành khúc  Rakoczy dân gian Hungary và La Sonnambula, vở opera  của Bellini, có chút đỡ “khó” nghe hơn, đã bắt đầu lôi  cuốn được các khán giả vào cuộc. Đến nửa cuối chương  trình với Symphony Fantastique - Giao hưởng Ảo tưởng  của Berlioz, Liszt chuyển soạn từ giao hưởng cho đàn  piano, một tác phẩm thực sự đồ sộ, 5 chương, dài gần  một tiếng đồng hồ và đương nhiên là không hề “dễ”  nghe. Có cảm giác như khán giả đã hoàn toàn bị thôi  miên bởi ngón  đàn tinh tế, kỹ  thuật siêu  đẳng,  b ả n g  màu  đa dạng, cường độ dồn dập bay bổng và nội dung cuốn  hút của bản nhạc. Roger Muraro làm cho cây đàn piano  của anh vang lên như cả một dàn nhạc giao hưởng lớn  hòa tấu và khán giả chúng tôi như bị cuốn đi trong dòng  âm thanh tràn ngập khán phòng Nhà hát Lớn hôm ấy.

 

Cảm nhận của chúng tôi về phản ứng của khán giả  chắc chắn có phần chủ quan. Nhưng cũng phải nói lại  rằng Berlioz, Ravel, Debussy, những tác giả Pháp vĩ đại  mà Roger Muraro trình tấu ở Hà Nội hoàn toàn không  hề “khó” nghe. Có điều không thể phủ nhận rằng các  tác giả này có phần xa lạ đối với công chúng Thủ đô,  vốn đã “quen” nghe các tác phẩm theo phong cách  cổ điển lãng mạn “dễ” vào hơn. Điều này e rằng cũng  không phải là hoàn toàn sai đối với giới chuyên môn và  do đó cho thấy một khoảng trống quá lớn trong trình  độ cảm thụ âm nhạc của chúng ta, trong khi thế giới  người ta đã ở thế kỷ 21, chúng ta vẫn còn loay hoay  trong âm nhạc của thế kỷ 18, 19. Một thực tế e khó  hiểu, khi kết nối Internet toàn cầu cho phép chúng ta  tiếp cận những kiến thức cập nhật nhất chỉ qua một vài  cú nhấp chuột. Thậm chí chúng ta có thể thưởng thức  những buổi hòa nhạc mới nhất, những dàn nhạc tốt  nhất, những nhạc trưởng giỏi nhất, và những nhạc công  xuất sắc nhất, trên mạng một cách miễn phí.

 

Nhưng điều làm chúng tôi phấn khởi nhất, đó là  thấy được những gương mặt trẻ chiếm số lượng lớn,  có lẽ phải được hai phần ba khán giả trong đêm độc  tấu của Roger Muraro hôm ấy. Tất nhiên cũng có một  số bạn đến muộn, về sớm, không nghe được toàn bộ  chương trình, nhưng phần lớn những bạn trẻ ấy ở lại  đến phút cuối để nghe nhạc. Có lẽ âm nhạc đích thực,  khi được trình tấu bởi những bậc thầy như Roger Muraro,  không có gì là “khó” nghe cả, và khi những khán giả trẻ  này mở lòng và chăm chú lắng nghe, âm nhạc đó sẽ đến  được trái tim họ, và ở lại đó mãi mãi. Các bạn trẻ này  hình như đều là học viên của Trung tâm Văn hóa Pháp,  được trợ giá mua vé xem biểu diễn. Họ có ngoại ngữ,  trình độ, có nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại được sớm tiếp  cận với văn minh thế giới, sẽ là lớp công chúng có trình  độ của Thủ đô nay mai.

Có lẽ cũng phải cảm ơn những đơn vị tổ chức chương  trình như Trung tâm Văn hóa Pháp hay Viện Goethe, với  chức năng phổ biến ngôn ngữ và văn hóa, ngoài việc  góp phần bồi dưỡng một thế hệ trẻ văn minh, họ còn  là những nhà tổ chức những sự kiện văn hóa đáng  chú ý. Có thể nói không ngoa rằng, những đêm nhạc  cổ điển hay nhất chúng tôi được nghe trong thời  gian vừa qua phần lớn là của những cơ quan này.  Chỉ mong rằng công tác quảng bá sẽ được làm tốt  hơn, để nhiều người yêu nhạc thực sự được biết  và đến nghe những chương trình “quý hiếm” và  lại có mức giá trong mơ ở thời buổi thóc cao gạo  kém như thế này (mức vé cao nhất chỉ là 200.000  đồng). Mong rằng sang năm, khi Roger Muraro  quay lại, anh sẽ đem Messiaen giới thiệu trong  khán phòng đầy khán giả của Nhà hát Lớn.

 

Bảo Anh - TT&VH Cuối tuần