Theo giới thiệu của cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi tìm đến huyện Chiêm Hóa - “cái nôi” của vùng hát Then tỉnh Tuyên Quang. Những ngày này, niềm vui của đồng bào dân tộc Tày nơi đây như được nhân lên sau khi đón nhận thông tin Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khu vực Việt Bắc để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa - người dân tộc Tày đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng Nghệ nhân văn hóa dân gian, ông Thuấn bộc bạch: Mấy tuần gần đây, tôi và mọi người trong bản mừng không sao tả hết, từ trong nhà đến ngoài đồng đâu đâu mọi người cũng bàn tán xôn xao về việc hát Then - làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Được biết, gia đình ông Thuấn có 6 anh em, hầu hết đều hát thành thạo các làn điệu Then. Thậm chí trước khi mất ông Hà Phan (anh trai ông Thuấn) chỉ có một ước nguyện: ba tập bản thảo chép tay các sáng tác của ông được in thành sách để lưu lại cho thế hệ mai sau…
Ông Hà Thuấn tâm sự: Đời không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá, như cá không suối sông. Rồi ông với lấy cây đàn tính lướt những ngón tay một cách mềm mại trên dây đàn và cất tiến hát:... ới la, bản noọng tón vằn xuân mùa mấư/ Vui đảy mùa bắp khẩu têm sang... Dịch, Bản em đón ngày xuân mùa mới/Vui được mùa ngô lúa đầy sân (Trong bài “Bản em đón xuân” do Hà Phan – anh trai của ông sáng tác).
Trong những năm qua, ông Thuấn đã miệt mài, cần mẫn sáng tác được gần 60 bài hát Then theo điệu "tằng bốc" (đường cạn) và "tằng nặm" (đường nước) - đây là hai làn điệu chính hay nhất và độc đáo nhất của làn điệu Then. Ngoài ra, ông còn sưu tầm và chỉnh lý hàng chục bài Then cổ.
Tuy nhiên, do các bài hát Then cổ được ghi bằng chữ Nho, nên ông phải đã miệt mài học chữ Nho trong một thời gian dài để dịch và chuyển các bài Then cổ sang hát bằng tiếng Tày. Đáng chú ý, những tiết mục đặc sắc do chính ông dàn dựng và biểu diễn đó luôn đạt nhiều giải cao trong các kỳ liên hoan của huyện, tỉnh, khu vực.
Điển hình như năm 2007, tại Liên hoan dân ca dân vũ nhạc cụ dân tộc Tuyên Quang tiết mục “Lọong thuông” do ông dàn dựng và biểu diễn đã đạt giải xuất sắc. Ngoài ra, ông còn đạt giải A trong Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ 2-tháng 10/2007, tại Cao Bằng, với tiết mục “Tản Bioóc”; năm 2010, đạt giải xuất sắc với tiết mục “Cung bướm lượn tháng ba” tại Liên hoan các câu lạc bộ đàn hát dân ca và gia đình văn nghệ.
Chia tay ông Hà Thuấn chúng tôi tìm đến nhà của anh Hoàng Tiến Các, dân tộc Tày, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) – người mà hơn 30 năm qua, miệt mài nghiên cứu lưu giữ, phát triển những làn điệu hát Then truyền thống của dân tộc Tày và mở lớp truyền nghề miễn phí cho thế hệ trẻ.
Theo anh Các kể, từ khi 19 tuổi, anh đã “vượt rừng băng suối” sang Cao Bằng học hát Then vì nghe các cụ thời bấy giờ kể ở Cao Bằng có nhiều nghệ nhân hát Then, cọi còn lưu giữ được những làn điệu cổ và có lối hát rất lôi cuốn người nghe. Sau nhiều tháng miệt mài học tập, anh đã gảy thạo đàn tính và hát khá tự nhiên các thể loại Then, cọi.
Trong những năm theo nghề hát Then, anh tự mày mò cải biên những điệu hát cổ cho phù hợp hơn, dễ hát hơn để phổ biến rộng rãi cho nhiều người ở thôn, xã cùng hát. Những bài hát của anh được bà con hay hát như: “Yên Nguyên quê noọng”, “Anh là người đoàn viên tiên tiến”, “Quê em đổi mới”... Cũng theo anh Các, Then là “cuộc sống” của người Tày, bởi ngày xưa, Then là những khúc hát sử dụng trong việc cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, cấp sắc…
Tiếng Then còn làm cho con người quên ăn, chim ngừng hót, súc vật trên rừng phải ngẩn ngơ, gió ngừng thổi, mây ngừng bay. Giai điệu của hát Then mênh mang, chứa đựng nỗi lòng của người hát. Khi các chàng trai, cô gái nghe thấy tiếng Then của nhau mà hiểu được nỗi lòng của nhau.
Trải qua thời gian, tiếng Then không hề mất đi tính đặc trưng vốn có mà càng làm cho sức sống của người Tày càng căng tràn, giúp cho mối duyên tình giữa con người và thiên nhiên ngày thêm mặn mà, cuộc sống ngày càng sinh sôi…
Không những vậy, nhằm phổ biến rộng rãi loại hình hát Then truyền thống của dân tộc, tranh thủ những lúc nông nhàn anh Các lại tổ chức các lớp học dạy hát Then và đánh đàn tính cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, từ chỗ số người biết hát Then ở xã Yên Nguyên chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay số người biết hát lên đến gần 100 người, trong đó đa phần là thế hệ trẻ.
Chia tay ông Hà Thuấn và anh Các, rời “cái nôi” vùng hát then tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi tìm đến gặp ông Mông Trí Thức, dân tộc Tày, thôn Suối Khoáng, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn – người làm đàn tính có tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Trong những năm qua, ông Thức đã sản xuất ra hàng trăm cây đàn tính cung cấp cho các đội văn nghệ, những thầy, nghệ nhân hát Then trong và ngoài tỉnh.
Ông Thức tự hào: Nói đến hát Then không thể nào không nhắc đến cây đàn tính. Then là điệu nhạc, là món quà của trời, đất đã trao gửi cho người Tày. Nhưng hát Then mà không có đàn tính thì như mùa xuân không có hoa đào nở, như miếng cau thiếu lá trầu xanh.
Ông Thức giải thích, đàn tính là dụng cụ để đệm khi hát Then, được làm từ ba loại vật liệu dễ tìm là quả bầu khô, cắt tiện thật khéo, gắn lên mặt cắt một mảnh ván mỏng; cần đàn làm bằng gỗ dâu hay thừng mục, vuốt thon một mặt phẳng và nối suôn qua bầu đàn, trên ngọn cần có thể khắc hình long, phượng, chim, thú; dây đàn được làm từ tơ tằm. Thêm ba núm chốt ngang qua khe máng đầu cần để mắc dây đàn và “con ngựa” trên mặt hộp, “con ngựa” có 3 khía đặt đỡ ba dây…
Đàn tính được làm theo tỷ lệ, kích thước “Song căm tẩu, cẩu căm cản” (hai nắm bầu, chín nắm cần”; tiếng Tày “tẩu” là bầu đàn, “song căm” là đường kính hộp đàn bằng hai nắm tay, tương được 18cm, cần đàn “cản đàn” cả phần thân cắm trong hộp đàn dài “cẩu căm” (chín nắm tay) tương đương 81 cm, còn lại ngọn cần đàn dài khoảng 20 cm để làm máng chốt dây và trang trí…
Chia tay những người đang “giữ hồn” của làn điệu hát Then tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi nhớ mãi câu nói của nghệ nhân Hà Thuấn: Nếu màng đến chuyện kinh phí thì tôi đã “giải nghệ” từ lâu. Tôi sưu tầm, giới thiệu làn điệu hát Then là trách nhiệm, là sự tri ân với hồn cốt dân tộc.
Bà Vũ Thị Bích Việt - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Tuyên Quang cho biết tỉnh Tuyên Quang hiện có 22 dân tộc thiểu số, cư trú lâu đời, có phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, nhưng do nhiều nguyên nhân bản sắc văn hóa các dân tộc đang bị mai một, do vậy, việc những thầy, nghệ nhân hát Then miệt mài sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau “báu vật” của dân tộc mình là việc làm rất đáng trân trọng./.
Lớp trước truyền lại cho lớp sau điệu hát Then truyền thống. (Nguồn: Internet)