Trong tháng Tư và Năm vừa qua, đội khai quật đã tiến hành thám sát, khai quật trên gần 400m2 và phát quang khảo sát trên 1.000m2 khu vực núi Phương Nhi. Đến nay, công việc nghiên cứu trên thực địa đã cơ bản hoàn tất, các nhà khảo cổ bước đầu đã có những nhận định sơ bộ về di tích, di vật ở khu vực núi Phương Nhi và phần nào làm rõ mối quan hệ của khu vực này với Bảo tháp Chương Sơn.
Về di tích, đội khai quật đã tìm thấy một phế tích kiến trúc hình lục giác có 6 cạnh gồm 5 cấp nền được xây dựng khá cẩn thận. Qua nghiên cứu, quan sát vật liệu cũng như cách thức xây dựng, đội khai quật thấy rằng đây là kiến trúc được xây dựng bằng việc tái sử dụng vật liệu thời Lý, đặc biệt là sự góp mặt của khá nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc dùng để xây tháp như gạch trang trí rồng, hoa lá, hoa cúc và khá nhiều các mảnh đấu kê đỉnh cột.
Về di vật, đội khai quật cũng đã thu được nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc có niên đại thời Lý, Trần với nhiều chất liệu loại hình khác nhau bao gồm vật liệu kiến trúc, đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì. Gốm men và sành thu được khá phong phú, chủ yếu là các mảnh vỡ của các đồ đựng bát đĩa, lon sành, âu, vò với các màu men trắng, xanh ngọc, nâu... có niên đại từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng, tập trung nhất là có niên đại thời Lý.
Đối diện với núi Phương Nhi về phía Bắc khoảng 1km là di tích Bảo tháp Chương Sơn được xây dựng vào thời Lý đã được các nhà khảo cổ khai quật, nghiên cứu từ 46 năm về trước.
Căn cứ vào vị trí, không gian phân bố, kết quả khai quật đặc biệt là sưu tập hiện vật tìm thấy tại núi Phương Nhi có thể cho thấy các di tích tại khu vực núi Phương Nhi có mối quan hệ mật thiết với Bảo tháp Chương Sơn. Đây chính là các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn với nhau,
Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết kết quả thu được lần này cho phép nhận diện về một quần thể di tích tôn giáo thời Lý rất quy mô và rộng lớn. Đồng thời kết quả này cũng bổ sung thêm tư liệu quý giá về các vấn đề liên quan đến Bảo tháp Chương Sơn, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trùng tu và tôn tạo quần thể di tích có ý nghĩa lịch sử rất lớn này trong tương lai./.
Di vật tìm được khi khai quật. (Ảnh: Thùy Dung/Vietnam+)