Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
667
123.242.551

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
"Kho báu" Trương Ngọc Tường
Tôi đã được tận mắt nhiều vật dụng bằng gốm của đội thuỷ quân "thuộc loại thiện chiến ở Đông Nam Á thế kỷ 18" từng bị vùi chôn bởi đạn thần sang của Nguyễn Huệ trong trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút cách nay 220 năm. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong "kho báu" đồ sộ của Trương Ngọc Tường - nhà nghiên cứu văn hoá không học hàm học vị, nhưng được tôn xưng là "thổ địa Nam Bộ".

Trong tiếng sóng Rạch Gầm.


Phải là người "tò mò", "tự học" miệt mài như ông già 56 tuổi, nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng cấp huyện này tự nhận mới có thể lắng nghe trong tiếng sóng của 220 năm trước bao điều thầm kín và "diễn nôm" chúng bằng lối nói huỵch toẹt theo kiểu... Trương Ngọc Tường: "Nè, anh có biết vì sao nước Tàu phong Binh bộ thượng thơ cho Hồ Hán Thương là một viên tướng người Việt bị bắt làm tù binh hay không? Giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho tướng của một quốc gia thù địch, thử hỏi trên thế giới có nước nào dám? Vậy mà nước Tàu đã làm. Vì sao? Vì Hồ Hán Thương có công chế tạo thần sang, là súng đại bác bắn bằng đá, giúp nhà Minh chặn quân Mông Cổ từ phía Bắc tràn xuống. Dọc theo sông Tiền, tôi phát hiện rất nhiều miễu thờ "Ông Tà", là những viên đá tròn làm đạn thần sang do thợ lặn vớt lên, dân chúng thấy lạ nên lập miễu thờ". Nói tới đây, "thổ địa Nam Bộ" bật cười: "Mà thờ cũng phải. Bởi "Ông Tà" đã có công đuổi giặc ngoại xâm".

Thì ra chế tạo thần sang là kỹ thuật mang tính truyền thống của người Việt mà Hồ Hán Thương chỉ là một đại diện (và nhờ đó được phong "Bộ trưởng Quốc phòng"). "Nhưng thưa chú Tường, có nhiều tài liệu lý giải theo hướng khác" - tôi thử "tranh cãi" với Uỷ viên BCH Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang. "Ngoài tài năng của Nguyễn Huệ về chiến lược, chiến thuật, hành quân thần tốc, hợp đồng binh chủng, xử lý tình báo..., có cả chuyện "Tây Sơn thập thần vũ khí", "Tây Sơn ngũ thần mã", "võ Việt đại chiến võ Xiêm". Như Nguyễn Huệ sử Ô long đao chém sắt như bùn, tự tay giết hàng trăm tướng quân Xiêm. Hay Bùi Thị Xuân cưỡi Ngân câu tốc độ phi thường, lấy đầu tướng giặc Lục Côn nhanh đến nỗi không kịp trở tay. Những chi tiết như vậy thường in dấu rất sâu trong ký ức nhân dân, giới nghiên cứu có thu thập được chứng cứ gì không?". "Trời đất, làm gì có cận chiến ở Rạch Gầm - Xoài Mút mà "thần đao, thần mã", "võ Việt, võ Xiêm" - ông Tường kêu lên. "Nguyễn Huệ thắng là nhờ chiến lược, chiến thuật và nhờ uy lực của thần sang. Nên nhớ đất này là đất chúa Nguyễn. Đình miễu đều của nhà Nguyễn hết. Truyền kỳ, cổ tích nếu có cũng không còn gì. Phải dựa vào văn bia tít ngoài Hà Nội, chúng tôi mới biết ở xã Tân Duân Đông, huyện Gò Công Đông có một ông Đô đốc Tây Sơn tên là Mạc Văn Thành".

300 chiến thuyền bị bắn chìm trên một khúc sông, lẽ nào suốt 2 thế kỷ chỉ vớt lên được mấy "Ông Tà"? "Nhiều chớ. Riêng tôi mua của gánh ve chai, lông vịt cũng được vài món " - ông Tường nói,  rồi quày quả vô trong lấy ra vài cái chén cổ: "Anh xem, toàn gốm thế kỷ 18. Hổng phải chén Việt mà chén Xiêm".

Từ những gánh ve chai, lông vịt.


Thật không thể ngờ phần lớn "kho báu" của Trương Ngọc Tường đều thu thập từ những gánh ve chai, lông vịt. Hóa ra trên sông Mekong có một nhóm người Chăm chuyên nghề lặn mò, thường đậu ghe ở Hoà Khánh (Tiền Giang) và Cầu Nhiếm (Cần Thơ). Dân ve chai, lông vịt tới mua, có món gì lạ là chạy lại kiếm ông. "Tôi không có tiền, nhưng có kiến thức" - ông nói. "Mà tôi sưu tập chỉ để phục vụ nghiên cứu chớ không phải mua bán cổ vật kiếm lời. Như bộ đồ nghiền thức ăn của thuỷ quân Xiêm mua ở Hoà Khánh chỉ mấy chục ngàn đồng hà".

Cứ thế, trong khuôn viên không đầy 1.000m2 nằm sát lề đường 30.4 ở thị trấn Cai Lậy, "thổ địa Nam Bộ" âm thầm lập nên một "bảo tàng tư nhân" có tới vài chục ngàn hiện vật, bao gồm các bộ sưu tập: Nọc cấy, bình vôi, ống điếu, quần áo, nữ trang, dụng cụ đo lường, tiền cổ, văn bản cổ... Trong đó, có những món cực kỳ quí hiếm như: Quyển sách còn nguyên thủ bút của vua Tự Đức, "giấy chứng nhận nghĩa quân" dưới thời vua Hàm Nghi, bản Kiều chữ Nôm cách nay hàng trăm năm, tiền Tống, tiền Đường sử dụng ở Nam Bộ có niên đại từ 1.000-1.500 năm... Đặc biệt, ông còn sưu tập được bản "Tuyên ngôn độc lập" năm 1945 viết bằng chữ Nôm cùng vài trăm bài thơ về Bác Hồ viết bằng chữ Hán nhằm che mắt Mỹ ngụy.

Học dân là chính.


Làm sao một cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng cấp huyện lại có thể trở thành nhà nghiên cứu in dấu chân khắp đình chùa miếu mạo Nam Bộ, tuy chưa có học vị tiến sĩ nhưng rất nhiều tiến sĩ phải "chịu ơn"? Ông Tường tự bạch: "Chỉ 2 chữ thôi: Tò mò. Thắc mắc thì phải hỏi, nhưng không được trọn tin người trả lời. Phải biết cái nhược của từng tác giả để vận dụng cho đúng. Nhờ làm lịch sử Đảng, tôi mới biết hầm bí mật như thế nào, phong trào đắp cản, hàn kênh như thế nào. Nhiều người nghiên cứu lịch sử mà hổng biết trong "Tuần lễ đồng", Việt Minh không bao giờ dùng tượng Phật để đúc vũ khí; hổng biết vì sao thợ cưa mua nhầm cây mít nài là thả xuống sông, cúng tạ lỗi con heo; hổng biết coi ngày, coi giờ, coi phong thuỷ để vận dụng vào việc nghiên cứu. Tôi tự học Hán Nôm. Thi đậu đại học năm 1972, nhưng sợ bị bắt lính nên nhào vô trung học sư phạm. Ra trường thì giải phóng, về Phòng Giáo dục huyện làm cán bộ quản lý, rồi làm lịch sử Đảng. Không tò mò, không học dân, không có Trương Ngọc Tường".

Tiễn tôi ra sân, chủ nhân "kho báu" bất ngờ tuyên bố: "Tôi sẵn sàng tặng cho nhà nước những hiện vật mình có nếu hình thành Bảo tàng Nông nghiệp để chẳng những lưu giữ gien lúa, gien cây ăn trái mà còn các loại nông cụ, vật dụng sinh hoạt của nông dân Nam Bộ qua các thời kỳ. Có lẽ nơi lý tưởng nhất để thực hiện là Cần Thơ". 

Vũ Lê-Châu - laodong