Vừa qua, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Ban đối ngoại trung ương và Bộ Ngoại giao bày tỏ quan điểm của Hội phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc và đề nghị tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trong bản kiến nghị, Hội nghề cá Việt Nam thể hiện rõ quan điểm: Nhiều hội viên, nông ngư dân làm nghề cá Việt Nam cũng như nhân dân cả nước rất bất bình với “nhiều hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc trong thời gian gần đây”.
Hội nghề cá cho rằng, những hành động xâm phạm của Trung Quốc đã “làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của ngư dân, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước mà ông cha ta đã nghìn đời gìn giữ, ảnh hưởng hoạt động kinh tế, chính trị của Việt Nam trên thế giới”.
Trên cơ sở đó, Hội nghề cá kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục có biện pháp hữu hiệu, cứng rắn hơn, phản đối việc làm phi pháp trên của Trung Quốc. Hội nghề cá khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và vận động hội viên, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, khẳng định chủ quyền và góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc.
Mới đây, Nhật báo Trung Quốc ngày 2/8 cho biết hơn 14.000 tàu cá đăng ký tại tỉnh Quảng Đông xuất phát đến Biển Đông từ ngày 1/8 để đánh bắt. Tại tỉnh Hải Nam, khoảng 9.000 tàu cá cùng hơn 35.600 ngư dân đã ra đánh bắt tại biển Đông sau khi lệnh cấm hết hạn. Lệnh cấm này áp dụng từ ngày 16/5 đến 1/8, trên các vùng nước mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Trả lời báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho biết: “Nếu vì mục đích đánh bắt, hơn 20.000 tàu đi chắc chắn không hiệu quả. Hành động xua tàu cá tiến xuống Biển Đông chẳng khác nào dùng ngư dân để xâm lược vùng biển của nước khác, uy hiếp, đe dọa các quốc gia khác”.
Các tàu cá của tỉnh Hải Nam chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Hndaily.