Hơn 100 năm tồn tại của Nhà Nguyễn đã để lại một kho “văn kiện hành chính” khổng lồ, được gọi bằng khái niệm “Châu bản”. Ngoại trừ số bị hư hỏng hoặc thất lạc trong chiến tranh (ước tính lên tới hơn 80%), lượng châu bản còn lại được lưu giữ tại Huế, sau đó do chính quyền Sài Gòn cũ tiếp quản kể từ 1959. Tới 1991, Trung tâm lưu trữ quốc gia II là đơn vị có trách nhiệm quản lý kho bí tịch này với con số ước tính hơn 800.000 trang.
1. 128 châu bản sắp trưng bày được lựa chọn dựa trên một tiêu chí chung: có bút phê bằng mực màu son của đích thân các đời vua Nguyễn. Thực tế, chỉ hơn 800 châu bản trong kho lưu trữ là có bút tích của họ.
Các châu bản tại triển lãm có nội dung khá phong phú: tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, sớ... Và, tùy theo cách “ghi ý kiến” của các hoàng đế triều Nguyễn, “ngự phê” của họ được chia thành từng dạng châu điểm (chấm một nét, thể hiện sự đồng ý), châu khuyên (khuyên tròn lên những vấn đề được chấp nhận), châu sổ (gạch lên những nội dung cần chấp nhận) hay châu phê (trực tiếp viết lên đầu, cuối hoặc... đè lên văn bản để đưa ra “quan điểm chỉ đạo” của mình).
Có thể coi mỗi châu bản tại triển lãm là một câu chuyện để người xem đối chiếu với những sự kiện lịch sử- văn hóa Việt Nam trong giai đoạn tương ứng. Điển hình, với sự xuất hiện của thực dân Pháp tại VN, vua Tự Đức có ngự phê năm 1874 về việc xét tội các quan để mất thành Hà Nội: “Truyền giao cho Đình thần và viện cơ mật tham khảo điển lệ, sự việc tình thế, tất cả đều theo đó mà nghị xử cho rõ ràng rồi tâu lại đầy đủ”. Hoặc, về cuộc trao đổi với đại diện nước Pháp, ngự phê viết ngày 10/6/1880 là minh chứng cho những lập luận của giới nghiên cứu về tư tưởng “cầu an” của ông: “Họ một lòng giúp, ta sớm giao 6 tỉnh, không có sự phân biệt với các nước thì ta sao lại không tin vào họ”.
Hoặc, với Thành Thái, triển lãm cung cấp châu bản mang nội dung phê duyệt việc đặt mua tờ báo Pháp l’Opinion vào tháng 1/1899. Đây là một chi tiết gắn những nghiên cứu về tư tưởng tiến bộ của ông - vị vua Nguyễn đầu tiên cắt tóc ngắn, mặc đồ tây, nói tiếng Pháp, bắt các hoàng tử học tiếng Pháp với ý tưởng “học người Pháp để chống Pháp chứ không làm tay sai”.
Đặc biệt, nếu ngự phê của 9/10 hoàng đế triều Nguyễn trưng bày trong cuộc triển lãm này được viết bằng tiếng Hán thì ngự phê của Bảo Đại – ông vua cuối cùng triều Nguyễn – lại được viết bằng cả 3 thứ tiếng Hán, Pháp và chữ quốc ngữ, một điều hợp lý nếu tìm hiểu về lịch sử chữ viết Việt Nam giai đoạn này.
2. Do không theo khuôn mẫu nào khi “ngự phê”, những dòng chữ hoặc “đánh dấu” của các vua nhà Nguyễn vẫn được coi là một nội dung quan trọng để giới nghiên cứu tiếp cận từ nhiều năm nay. Bởi, đó là nguồn sử liệu quý giá cho thấy quan điểm, suy nghĩ của những nhân vật lịch sử này trên mọi vấn đề: từ chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa... cho tới cả những vấn đề tưởng như rất đời thường.
Đơn cử, dòng chữ của vua Gia Long trên bản “chẩn bệnh” của quan Ngự y ngày 4/11/1819 cho thấy tâm trạng khá giản dị: “Mong được như thầy thuốc nói thì vui mừng biết chừng nào”. Và 19 ngày sau đó, ngự phê của ông vẫn là một hi vọng chân thành: “Tiết tiểu hàn đã qua, đang dần đến ấm áp, chính là lúc mong khoẻ mạnh”. Trong lịch sử, đó chính là quãng thời gian Cao Tổ nhà Nguyễn ốm nặng, phải giao toàn bộ công việc cho Thái Tử và sắp mất vào năm sau (1820).
Hoặc, với Minh Mạng – nhân vật phần nào được lịch sử ghi nhận công lao cải cách xã hội, kinh tế trong 21 năm trị vị, - ngự phê được trưng bày khá phong phú, với những... chỉ đạo liên quan tới hàng loạt vấn đề về giáo dục, tuyển chọn nhân tài, hoàn thiện pháp luật, đề cao pháp trị.... Điển hình, với việc quận công Tôn Thất Thiệu Khuê xin dời dinh phủ sang nơi khác, ông từ chối : “Đó là nơi đất thiêng, người phúc mỏng làm sao chịu nổi. Nếu đổi xây dựng chùa để phúc mãi về sau thì bộ ấy lập tức bàn để tiến hành”.
Một ngự phê của vua Tự Đức năm 1859, yêu cầu tăng cường việc phòng bị an ninh cho quốc gia.
Hoặc, với một đề xuất về “thủ tục hành chính”, bút phê của ông mang bóng dáng giễu cợt: “Gặp việc thì chỉ thi hành, không nhất thiết phải làm sẵn giấy để trống làm gì. Khâm thử ”.Riêng vớivụ án xử quan lại tham lam vào 5/1827, ngự phê của Minh Mạng lại có nội dung khá cương quyết và gay gắt : “Cho áp giải tên quan lại sâu mọt Bùi Khắc Kham đến chợ trong trấn, chém ngang lưng, bêu đầu lên cọc cao để làm gương răn. Ngoài ra, đúng như xét xử. Khâm thử”.
Thậm chí, dù bị đánh giá là nhân vật có tư tưởng “bế quan tọa cảng”, ngự phê của vua Tự Đức ngày 23/7/1870 vẫn cho thấy một quan điểm khá cấp tiến về việc cử người đi Anh, Pháp, Nga, Mỹ học tập (Viện cơ mật đề cử): “Nếu kịp thì thêm năm ba người học ngôn ngữ, không nhất thiết phải đủ số lượng, trong đó người nào kham được thì học kiêm, chỉ cần mau chóng chọn lựa để kịp sai đi. Số còn lại sẽ tiếp tục chọn, và đợi phúc trình về, biết khó dễ thế nào cũng tiện”.
Ngoại trừ 3 vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Hàm Nghi vốn có thời gian trị vì rất ít trong lịch sử, 10 vị vua triều Nguyễn còn lại đều có châu bản được trưng bày tại triển lãm và chia thành 10 khu vực tương ứng. Kèm theo đó là một số bức ảnh tư liệu về các nhân vật lịch sử này.
Ảnh: Bút tích của Bảo Đại – vị vua duy nhất dùng chữ quốc ngữ - trên một châu bản.