Được xuất bản từ tiền túi, từ nhà xuất bản hay từ sự tài trợ của Nhà nước, đại đa số hầu như có cùng một số phận: mất tích nhanh chóng trong biển chữ nghĩa, không một tiếng vang, không chút xao động. Chị mạnh dạn nhận định: “Hoạt động văn học chưa bao giờ mờ nhạt như hiện nay, nhất là ở TP.HCM. Nếu nói nhà văn là “trái tim của xã hội” thì trái tim ấy hiện đang đập quá yếu ớt, chậm chạp…
Các nhà văn cứ như đang đi trên chín tầng mây, trong khi cuộc sống bên dưới cứ diễn ra thật mạnh mẽ, khốc liệt. Được tự do sáng tác nhưng các nhà văn không biết dùng tự do ấy trước bao điều trông thấy…”.
Đau lòng, nhưng chính xác. Ngay trong bản báo cáo của ban chấp hành, dù kể ra rất nhiều chuyện làm được trong nhiệm kỳ qua, vẫn không hề nêu được cái tên của một nhà văn là hiện tượng trên văn đàn hoặc một tác phẩm nổi đình nổi đám nào. Mà những chuyện làm được ấy là gì? Hằng năm tổ chức hai trại sáng tác (một già một trẻ), in được một số đầu sách cho hội viên, tổ chức một số đợt đi thực tế ở các tỉnh, một số cuộc hội thảo…, dĩ nhiên tất cả đều bằng tiền chu cấp của Nhà nước.
Một nhà nước quá chu đáo và hào phóng! Để từ đâu phát sinh tâm lý đi thực tế thì Nhà nước phải chi tiền, chỉ viết khi được Nhà nước đầu tư, Nhà nước phải in sách cho nhà văn, công ty phát hành sách phải tập trung nâng cao số lượng sách phát hành của nhà văn VN, các thư viện phải mua sách của nhà văn VN…? Thế nhưng sách đó viết như thế nào, hay hay dở, được đón nhận hay không người động đến… thì nhà văn vẫn “bình thường”. Được bao cấp mà! Và rồi, trong báo cáo của ban chấp hành, vẫn là “chúng ta rất mong tiếp tục nhận được sự tài trợ ấy”.
Liên tục trong nhiều năm, những bộ phim được làm bằng tiền nhà nước mà có kết quả thảm hại về cả chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu đã bị dư luận phê phán mạnh mẽ đến mức chính Nhà nước cũng phải điều chỉnh bớt sự hào phóng vô ích của mình. Thế thì những trại sáng tác cấp phát tiền vô tư, những cuộc đi thực tế vui chơi là chính, những cuốn sách in từ tiền tài trợ bị đóng bụi trên kệ các nhà sách… có nên cứ mãi được tiếp tục không? Người đọc đã quá sốt ruột chờ đợi những tác phẩm văn học hừng hực chất sống, thở cùng họ và chiến đấu cùng họ. Lẽ nào các nhà văn cứ mãi kêu gọi sự trợ giúp từ các nơi mà không biết tự kêu gọi chính mình? Lẽ nào cứ mãi làm… những viên đá cuội?