Hai cái tên được đọng lại: Mạc Ngôn và Haruki Murakami, trong đó nhà văn đến từ đất nước Phù Tang đang có lợi thế cao nhất.
Dẫn đầu
Cho dù Nobel Văn học luôn gây bí mật đến phút chót nhưng rất nhiều người đang tin rằng năm nay cái tên được trao giải sẽ là một gương mặt được hàng triễu người đọc hâm mộ: Haruki Murakami. Trang web nhà sách nổi tiếng của Anh, Ladbrokes.com đang đưa ra tỷ lệ dự đoán mới nhất: Haruki Murakami (Nhật, tỷ lệ cược 7/1), Bob Dylan (10/1), Mạc Ngôn (Trung Quốc, tỷ lệ 12/1), nhà văn người Hà Lan, Cees Nooteboom, cùng tỷ lệ ngang với Mạc Ngôn. Adonis, nhà thơ người Syria, người năm ngoái đã bị lỡ Nobel cho dù trước đó được xem là người có nhiều hy vọng nhất, năm nay vẫn lại xuất hiện. Tuy nhiên nhà thơ này bị tụt hạng xuống vị trí đặt cược khá thấp cùng nhà thơ người Hàn Quốc Ko Un và nhà văn người Albania, Ismail Kadare với tỷ lệ 14/1.
Chủ tịch Viện hàn lâm Thụy Điển Peter Englund cho biết, năm nay có tới 46 trong số 210 nhà văn được đề cử giải Nobel lần đầu tiên có mặt trong danh sách (trong đó có Mạc Ngôn). Những ứng cử viên này được tổng hợp từ lựa chọn của các thành viên Viện hàn lâm và các nhà văn tiếng tăm từ khắp nơi trên thế giới.
Haruki Murakami không phải lần đầu tiên được đề cử. Kenzaburo Oe, nhà văn người Nhật được trao giải Nobel Văn chương năm 1994 cho rằng: “Murakami đang là niềm hy vọng của người dân Nhật Bản” bởi “cho dù Murakami không hẳn đã phá bức tường bao quanh nền văn học Nhật nhưng là người có công đầu đẩy bức tường đó xa khỏi biên giới Nhật Bản, đưa văn học Nhật đến với thế giới”.
Giải thưởng Nobel Văn học từng xướng tên hai nhà văn đến từ đất nước mặt trời mọc: Kawabata Yasunari năm 1968, Kenzaburo Oe năm 1994 và lần này, sau 18 năm, hàng triệu độc giả tin rằng Haruki Murakami xứng đáng trở thành người thứ 3.
Đừng hy vọng?
Murakami đang là niềm hy vọng của người dân Nhật Bản. Cho dù không phá bức tường bao quanh nền văn học Nhật nhưng ông người có công đầu đẩy bức tường đó xa khỏi biên giới Nhật, đưa văn học Nhật đến với thế giới - Kenzaburo Oe.
Ai cũng biết đây chẳng phải lần đầu Murakami được đề cử và ai cũng biết trong bao nhiêu năm qua cứ một lần hy vọng là lại thất vọng tràn trề. Năm 2008 tác giả của Rừng Na Uy đứng đầu danh sách tỷ lệ đặt cược nhưng cuối cùng Nobel năm đó đã rơi vào tay nhà văn “ẩn dật” người Pháp, Jean-Marie Gustave Le Clézio. Đáng nói là năm đó nhà văn Clézio không có tên trong danh sách ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Văn chương nhưng sau cùng ông lại là người thắng cuộc.
Hai năm trước đó, 2006, Murakami trở thành người thứ sáu giành giải thưởng danh giá Franz Kafka với tác phẩm Kafka bên bờ biển. Lúc ấy ai cũng kỳ vọng Haruki Murakami sẽ nhận giải Nobel là vì ông là người đầu tiên ở khu vực châu Á nhận giải thưởng Kafka. Trong năm 2004 và 2005 những người đã từng nhận giải thưởng này đã trở thành chủ nhân của giải Nobel: Harold Pinter và Elfriede Jelinek. Và cũng năm năm đó Murakami được đứng vào Top 5 nhà văn có xác suất đoạt Nobel cao nhất. Cuối cùng thì chuyện khôi hài đã xảy ra. Murakami đã dở khóc dở cười khi buổi sáng thức dậy nhận được rất nhiều lời chúc mừng khi ông được công bố đoạt giải Nobel Văn học 2006. Nhưng hóa ra chỉ là một sự cố đáng tiếc khi hệ thống trang chủ của thư viện ở quê nhà Ashiya của ông, đã công bố nhầm.
Năm 2009 một lần nữa Murakami và nhà văn người Hàn Quốc Ko Un trở thành niềm hy vọng của châu Á khi cả hai lần lượt có tỷ lệ xác suất giành giải cao nhất nhưng cuối cùng giải Nobel năm đó đã về tay nhà văn/nhà thơ người Đức Herta Müller.
Năm 2011 kịch bản lại được lặp lại, người Nhật vẫn đặt cược vào Murakami và cuối cùng giải thưởng văn học danh giá đã về tay nhà thơ người Thụy Điển, Tomas Tranströmer.
Murakami chưa bao giờ tỏ ý than phiền về chuyện không được Nobel đoái hoài và ông luôn cho rằng giải thưởng lớn nhất đối với ông là được độc giả yêu mến “mọi người có xu hướng nhìn vào giải thưởng và số lượng nhưng nó chỉ đơn thuần những con số và hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả” nhưng nhiều nhà văn, nhà phê bình và rất nhiều độc giả cho rằng Murakami rất xứng đáng đại diện cho văn học Nhật Bản nhận thêm một giải Nobel Văn học nữa.
Ca sĩ/nhà thơ huyền thoại người Mỹ Bob Dylan cũng nhiều lần được đề cử Nobel Văn học. Năm nay ông bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách những người có xác suất giành giải cao nhất.
Uchida Tatsuru, giáo sư danh dự Đại học Jogaku Kobe tin rằng Murakami nếu không được bây giờ thì “nhất định sẽ nhận giải trong vòng 10 năm tới”. Bà đánh giá chỉ riêng tác phẩm 1Q84 cũng đã nói được rất nhiều phẩm chất tài năng của Murakami: “Câu chuyện vừa đưa vào hiện thực cụ thể vừa đào sâu góc tối của trái tim mà con người ai cũng có. Nó làm cho người ta cảm nhận được khát vọng muốn theo đuổi khoảnh khắc sinh thành khi thế giới trở thành vật như hiện tại. Nó là tác phẩm có thể được lý giải cả hàng trăm năm sau”.
Kato Norihiro, nhà phê bình, giáo sư khoa Văn hóa Quốc tế Đại học Waseda cũng chỉ ra điểm mạnh của tác phẩm của Murakami là nó có độc giả ở bất cứ đâu, vượt qua giới hạn tôn giáo, dân tộc. Tờ Washington Post đánh giá Murakami là nhà văn xuất sắc của “nước Nhật hiện đại, một đất nước phồn vinh đột biến đang tìm lại lý tưởng đã mất. Trong nước Nhật của ông, những truyền thống cũ đã bị phá vỡ, thế chỗ chúng là những lý tưởng vô nghĩa và không một ai biết cái gì sẽ tiếp diễn”.
Khi phân tích sáng tác của Murakami, đại đa số nhà phê bình Nhật Bản và nước ngoài đều nhận định, ông tạo ra một thế giới mà trong đó các nhân vật bị bế tắc trong cuộc đời, đã đi lang thang vô nghĩa trên các khu phố đô thị của Nhật Bản hiện đại. Họ nuốt chửng (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) những sản phẩm của văn hóa phương Tây, từ bánh mì kẹp nhân ăn nhanh đến nhạc pop, nhạc rock. Những người đàn ông thì yếu đuối, quỵ lụy, sống theo nguyên tắc: không làm ai buồn phiền, không làm ai tức giận. Họ chỉ mơ ước có một chiếc xe hơi đời mới hạng sang và có thể sống vô tư suốt đời, nghe nhạc Beatles hoặc Beach Boys. Chung quanh tràn ngập thứ văn hóa pop kiểu Mỹ. Xã hội này là xã hội tiêu thụ với vẻ bề ngoài phồn vinh vật chất, song lại rỗng tuếch tinh thần. Nhà phê bình nổi tiếng John Updike cho rằng: “Dù tác phẩm của ông nhan nhản mùi “bơ sữa” phương Tây, đặc biệt là âm nhạc bình dân; dù ông miêu tả chi tiết sự sáo rỗng, tầm thường của giới trẻ phương Tây, lối kể chuyện của ông vẫn rất đáng mơ ước và gần với tính chất siêu thực mềm dẻo, linh hoạt của văn học Nhật. Ông là một trong những người bảo vệ văn học Nhật từ bên ngoài biên giới”.
Người ta đang chờ tháng 10 tới gần để nghe đích xác cái tên Haruki Murakami được xướng lên. Điều này còn quan trọng hơn cả tấm huy chương Vàng được trao cùng 1,3 triệu USD giải thưởng. Với Murakami, giải Nobel Văn học sẽ là một sự tưởng thưởng xứng đáng với những gì ông đã viết nên trong hơn 30 năm qua.