Đây là triển lãm đầu tiên tại Pháp về hình tượng linh thiêng trên các mái đình làng Việt Nam, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức.
Tham dự lễ khai mạc có Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Liên hiệp quốc về giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO); ông Đinh Toàn Thắng, Công sứ, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp; ông Nguyễn Thanh Tòng, phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF); họa sỹ Lê Anh Vân, phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện trưởng Viện Mỹ thuật, đang thăm và làm việc tại Pháp; cùng đông đảo bà con kiều bào, bạn bè Pháp và quốc tế tại Paris và các vùng lân cận.
Đến với triển lãm bà con kiều bào và bạn bè Pháp, quốc tế được chiêm ngưỡng 80 bức ảnh chạm khắc hình ảnh rồng và tiên trên đình làng châu thổ đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, là một trong những hiện thực nằm trong chương trình nghiên cứu và quảng bá về đình làng do nhóm nghiên cứu của Viện Mỹ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện.
Thông qua kiến trúc đình làng và hình ảnh rồng-tiên, triển lãm đã mang đến cho công chúng Pháp và châu Âu sự hiểu biết sâu sắc hơn về con người và tâm hồn Việt Nam trong qua khứ và trong hiện tại.
Phát biểu trong buổi lễ khai trương triển lãm, họa sỹ Lê Vân Anh, phó giáo sư, Hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện trưởng Viện Mỹ thuật cho biết đình đã trở thành biểu tượng của làng, là niềm tự hào của cộng đồng, là hình ảnh sâu đậm trong tâm thức của người Việt và có nhiều giá trị về mặt di sản nghệ thuật. Trong đó, riêng sự kết hợp giữa Rồng và Tiên là một nét độc đáo đặc trưng trong chạm khắc ở đình làng tại Việt Nam.
Theo ông, khi nói đến rồng-tiên là nói đến nguồn gốc của người Việt. Rồng dù là biểu hiện vương quyền nhưng khi về đình làng thì đó lại là biểu hiện của đời thường. Hình ảnh Rồng và Tiên hòa quyện vào nhau mang tính dân gian, mộc mạc, biểu hiện cho sức mạnh.
Ông còn cho biết thêm, nhóm thực hiện chương trình nghiên cứu "Hình tượng rồng-tiên trên chạm khắc đình làng Việt Nam" đã đi tìm kiếm và chụp ảnh hình tượng rồng-tiên kết hợp với nhau tại 300 trên tổng số 600 đình làng Việt Nam đã được xếp hạng tại Bắc Bộ.
Đánh giá ý nghĩa mới lạ của nghiên cứu này, Đại sứ Việt Nam Dương Văn Quảng khẳng định đây là triển lãm phản ánh một phần bản chất văn hóa của người Việt. Trong mỗi một nền văn hóa của mổi một dân tộc đều có phần tâm linh và văn hóa Việt Nam cũng vậy.
Khai thác khía cạnh rồng-tiên trong nghệ thuật trang trí ở các đình chùa là một nghiên cứu nghiêm túc và nên phổ biến rộng rãi cho người Việt Nam, cho bạn bè thế giới biết được khái niệm rồng-tiên, yếu tố tâm linh cũng như sức sáng tạo thông qua hai khái niệm này.
Về phần mình, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Lê Hồng Chương, giám đốc Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp cho rằng sự gia tham của Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp - thành viên thứ 46 của Diễn đàn các Trung tâm văn hóa nước ngoài tại Paris (FICEP), vào “Tuần lễ văn hóa nước ngoài tại Paris” là một hoạt động quốc tế độc đáo của Tung tâm với mong muốn giới thiệu quảng bá những nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam với công chúng Paris.
Cùng với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, những nét văn hóa tiêu biểu của Việt Nam sẽ có cơ hội được biết đến rộng rãi hơn trong tiến trình hội nhập với quốc tế, đồng thời những giá trị độc đáo và những nét riêng biệt đặc sắc của nó cũng sẽ ngày càng được khẳng định.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, một chương trình biểu diễn nghệ thuật "Việt Nam - Đất nước rồng-tiên" đã được tổ chức làm cho lế khai mạc triển lãm trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.
Dự kiến,chương trình tọa đàm "Rồng tiên khúc hoan ca" sẽ được tổ chức trong tuần tới.
Khách thăm triển lãm. (Ảnh: Lê Hà-Nguyễn Tuyên/Vietnam+)