Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
450
123.254.126

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đại hội Nhà văn ĐBSCL lần thứ 2-*Chính thức lưu hành website Văn nghệ sông Cửu Long
(SGGP).- Trong 2 ngày 09, 10 -3 -2005, tại TP Long Xuyên (An Giang), 33 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong khu vực đã tổ chức đại hội lần thứ 2. Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, với thiên chức của những người cầm bút, anh chị em đã cố gắng bám sát thực tế đời sống, trăn trở trước hiện thực ngổn ngang, phức tạp và gay gắt để có được nhiều trang viết giàu tâm huyết

không ít tác giả đã nhận được những giải thưởng về bút ký, truyện ngắn và tiểu thuyết. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm ngày càng thưa thớt, ít có những đột phá mới về nội dung cũng như hình thức thể hiện, thiếu vắng hiện thực trong tác phẩm và chưa gây được sự chú ý đáng kể cho công chúng. Ban liên lạc Hội Nhà Văn ĐBSCL kiến nghị cần sớm thành lập chi hội nhà văn ĐBSCL và tiến tới tổ chức Hội Nhà văn ĐBSCL như Hội ở các thành phố lớn.

        *Theo Ban Liên lạc Hội nhà văn ĐBSCL, sau một thời gian cố gắng vận động và tự tổ chức, website Văn nghệ sông Cửu Long (địa chỉ: http://www.vannghesongcuulong.org) đã được Bộ VH-TT chính thức cấp phép lưu hành. Đây là website đầu tiên của giới văn học - nghệ thuật trong nước, với nhiều chuyên mục đa dạng và hấp dẫn, được công ty ITI (Vũng Tàu) tài trợ.

 

ẤM ÁP TÌNH CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM TẠI TÂY NAM BỘ

 

Những ngày đầu tháng 3, tiết trời phương nam chợt trở nên se lạnh, khói sóng giăng mờ mịt trên thành phố thơ mộng Long Xuyên ven thượng nguồn sông Hậu. Những ngày này, Hội văn học nghệ thuật tỉnh An Giang tất bật chuẩn bị đón tiếp các nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội bay vào và từ các tỉnh, thành trong khu vực về để tiến hành Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong hai ngày 9 và 10 tháng 3 năm 2005.

Nhà thơ Lê Chí, Ủy viên BCH Hội kiêm Trưởng Ban liên lạc Hội nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL và đoàn các nhà văn Cần Thơ gồm: Khai Phong, Lương Minh Hinh là đến sớm nhất, trước đó một ngày. Chiều tối ngày 9.3, các nhà văn, nhà thơ của 13 tỉnh, thành trong khu vực gần như tề tựu về đông đủ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và nói cười tự nhiên như "các em thiếu nhi". Trước khoảng sân nhỏ của Nhà khách Công đoàn, túm tụm, hàn huyên, góc kia là Nguyễn Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Đình Trường đến từ Cà Mau, Lê Tân đến từ Trà Vinh, Kim Ba, Nguyên Tùng, Vũ Hồng đến từ Bến Tre; góc nọ là Anh Động, Anh Đào, Nguyễn Thị Diệp Mai đến từ Kiên Giang, Hào Vũ, Đinh Thị Thu Vân đến từ Long An, Song Hảo, Hồ Tĩnh Tâm đến từ Vĩnh Long, Thai Sắc từ Đồng Tháp, Phan Trung Nghĩa từ Bạc Liêu, Ngọc Phượng từ Sóc Trăng. Lực lượng tỉnh nhà đăng cai thì rất hùng hậu gồm 7 nhà văn chia nhau tiếp bạn: Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em, Hồ Thanh Điền, Trần Thế Vinh, Vũ Đức Nghĩa, Đoàn Văn Đạt (và bổ sung thêm 2 "đối tượng hội viên" nữa chứ: Mai Bửu Minh, Lê Thanh My). Riêng đoàn các nhà văn, nhà thơ đại diện BCH Hội ở bên khách sạn Hòa Bình 2 gần đó như: Cao Tiến Lê, Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Lương Sỹ Cầm, Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Thanh Minh đã sang Nhà khách Công đoàn gặp gỡ thân tình với các đoàn.

Mới đó mà đã 5 năm trôi qua kể từ Đại hội cấp cơ sở lần trước tổ chức tại thị xã Tân An, tỉnh Long An. Lần đó, cố nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh... đã cùng vui, cùng hát nhạc tân có, vọng cổ có... đến gần giữa đêm. Hình như có ai đó nhắc nhỏ lại một quãng thời gian 5 năm trôi qua và cũng bằng chừng ấy thời gian giờ các nhà văn tại ĐBSCL mới có dịp gặp lại nhau, bùi ngùi, xúc động. Rồi mới giật mình, tại sao các tỉnh gần gũi với nhau về địa lý mà sao khó có dịp gặp nhau đến như vậy. Có ai đó ngậm ngùi đọc một câu thơ của cố nhà thơ Huy Cận khi nhìn ra mặt sông Hậu mênh mông: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song / Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả / Củi một cành khô lạc mấy dòng…

Đúng 8 giờ 15 phút ngày 10.3.2005, Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII khu vực ĐBSCL chính thức khai mạc trong một gian phòng nhỏ, ấm áp. Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Vụ trưởng Vụ văn nghệ - đã chuyển lời chúc mừng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương - đến các đại biểu dự Đại hội. Ông Lê Minh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh - thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang phát biểu chào mừng Đại hội. Nhà văn Cao Tiến Lê thay mặt Hội nhà văn Việt Nam có lời đáp từ và trao tặng bức ảnh "Bác Hồ với các văn nghệ sĩ" (1968) đến tỉnh đăng cai.

Nhà thơ Lê Chí thay mặt BCH Hội nhà văn Việt Nam và Đoàn chủ tịch Đại hội trình bày bản báo cáo công tác 5 năm qua của Hội với nhan đề "Văn học 5 năm đầu thế kỷ" và phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học nhiệm kỳ 2005 - 2010. Nhà văn Nguyễn Thanh thay mặt Ban liên lạc trình bày báo cáo với nhan đề "Vài nét về hoạt động của các nhà văn ĐBSCL và Ban liên lạc tại khu vực trong 5 năm qua". Tiếp đó, nhà văn Cao Tiến Lê - Thường trực BCH Hội - trình bày bản "Báo cáo kiểm điểm của BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa VI (2000 - 2005) và trình bày "Dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội nhà văn Việt Nam khóa VII (2005 - 2010".

Rất sôi nổi là đến phần thảo luận, các đại biểu: Hồ Tĩnh Tâm, Ngô Khắc Tài, Anh Động, Nguyễn Lập Em… đều mong muốn khu vực ĐBSCL có được một tờ báo Văn Nghệ để anh em bạn viết có một "sân" gặp gỡ nhau thường xuyên bằng tác phẩm trong khi rất khó gặp nhau ngoài đời; bên cạnh đó các đại biểu còn đề xuất Hội nhà văn Việt Nam cần có hướng cụ thể về tư cách pháp nhân cho việc thành lập Ban đại diện khu vực, hoặc là Chi hội nhà văn trực thuộc Hội nhà văn, hoặc là Hội nhà văn ĐBSCL…

Đóng góp ý kiến vào bản báo cáo của Hội, đại biểu Thai Sắc đề nghị sửa lại nhan đề của bản báo cáo là "Văn học 10 năm đầu thế kỷ" do trong phần nội dung đã gói gọn cả 2 phần: phần tổng kết và phần phương hướng, nhiệm vụ; nếu để là 5 năm thì chỉ nghiêng về phần tổng kết, xem nhẹ phần phương hướng. Đại biểu Thai Sắc đề nghị sửa 2 câu, trong đó có câu không ổn lắm: "Nhà văn vốn đã cô đơn, ngày nay càng cảm thấy cô đơn hơn trước dòng thác của các cuộc tìm kiếm lợi ích". Đại biểu Anh Động, Thai Sắc, Lê Chí đề nghị xem xét lại một chút về bản dự thảo sửa đổi Điều lệ: đã đình chỉ sinh hoạt Hội thì cụ thể hội viên đó mất đi những nhiệm vụ gì, mất đi những quyền lợi gì? Thời gian bao lâu thì được phục hồi? Đề nghị bỏ từ "mới" ở phần "kết nạp hội viên mới" vì mới kết nạp dĩ nhiên là "mới" rồi. Và các đại biểu đều tỏ ra rất "vui vẻ" khi thấy trong bản báo cáo của Hội chêm vào được một câu: "Trong đó, rất đáng biểu dương Ban liên lạc các nhà văn ĐBSCL, xa nhất, nghèo nhất mà làm được nhiều việc nhất"; đó là tổ chức thành công cuộc Hội thảo Thơ ở TP. Cần Thơ; Hội thảo Văn xuôi ở TP. Mỹ Tho; tổ chức chuyến đi thực tế dài ngày ở tỉnh Trà Vinh; gầy dựng được Website văn học nghệ thuật như là một thư viện điện tử về văn học nghệ thuật lớn nhất tại địa chỉ: http://www.vannghesongcuulong.org (đã có giấy phép xuất bản của Bộ văn hóa thông tin); tổ chức được Hội nghị các thành viên Ban liên lạc đều đặn mỗi năm 2 lần; và hỗ trợ rất tốt các cuộc thi văn học do 13 Hội văn học nghệ thuật trong khu vực liên kết tổ chức v.v…

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh, Lê Đình Trường, Hào Vũ được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Lê Đình Trường đặt vấn đề về đầu tư cho một mảng có thể gọi là sa sút đó là lý luận phê bình. Đại biểu Hào Vũ cho rằng các tác giả khi viết thường tỏ ra quá nghiêm khắc với chính mình, thường tìm sự "quá an toàn" là chính (tự biên tập chăng?) nên ít có những kiếm tìm, phiêu lưu, mạo hiểm để viết nên những tác phẩm xứng tầm. Đại biểu Nguyễn Thanh phê bình qui chế kết nạp hội viên của Hội trong nhiều nhiệm kỳ qua quá lỏng lẻo; qui chế chấm thi của các Hội đồng giám khảo quá "dễ dãi", thậm chí có những tác phẩm nhiều khi không thể chọn in ở báo được cũng được chọn vào vòng chung khảo và xếp giải…

Nhà văn Lương Sĩ Cầm rất "bài bản" trong các cuộc bầu cử nên cuộc bầu cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội nhà văn Việt Nam khóa VII diễn ra rất nhẹ nhàng, nhanh chóng. Mười tám đại biểu chính thức sẽ được mời đi trong đợt Đại hội này và dĩ nhiên 18 đại biểu có trách nhiệm phải đưa được tiếng nói của các nhà văn trong khu vực vào diễn đàn đại hội với những ý kiến hết sức trung thực, thẳng thắn, có lợi cho sự phát triển nền văn học Việt Nam.

Không chút gì "buồn, vui qua chuyện bầu bán", sáng hôm sau 11.3, các nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL lại cùng lên đường đi thực tế sáng tác ở huyện cù lao biên giới Tân Châu. Tân Châu, quê lụa nổi tiếng từ thời xa xưa với loại vải Mỹ A mượt mà, đen bóng. Tân Châu nằm cong cong, mảnh mai như một thiếu nữ giữa 2 dòng sông Hậu và sông Tiền; nơi có làng Chăm Châu Giang trầm mặc với những ngôi thánh đường và những cô gái Chăm đẹp như những vũ nữ Ấn Độ. Đoàn các nhà văn đã đến thăm di tích cách mạng giồng Trà Dên, nơi có rừng tre gai rộng đến hàng trăm ngàn mét vuông mà ngày xưa bom bỏ vẫn không thể nào lọt qua kẽ lá, bắt buộc phải "nổ trên trời"; thăm di tích núi Nổi mà người dân xung quanh đó tương truyền rằng, nước lụt có dâng cao đến cỡ nào cũng chỉ ngập đến chân núi (do núi nổi theo con nước?). Các nhà văn, nhà thơ Ngô Khắc Tài, Kim Ba, Hồ Thanh Điền, Vũ Hồng, ngay cả nhà văn - thương binh Nguyễn Khai Phong… tự hào rằng cần chi đến Hy Mã Lạp Sơn leo núi chi cho cực, ở đây chỉ bước vài bước là đã đứng được trên đỉnh núi "cao chót vót" chỉ độ chừng… hơn 3 mét (núi Nổi rộng khoảng 1 mẫu, cao 4,5 mét so với mặt nước biển). Đoàn cũng đã đến thăm cuộc sống của đồng bào tại xã Vĩnh Xương, nơi có cửa khẩu Sông Tiền tiếp giáp với nước bạn Campuchia, chụp hình lưu niệm tại cột mốc vành đai biên giới và lặng nhìn con sông Tiền rộng mênh mông trải dài đến tận Phnôm-pênh.

Ông Lương Chí Việt - Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang - người đã tham dự suốt phiên Đại hội; ông Sáu Thạnh - Phó Bí thư Huyện ủy Tân Châu - giờ cùng tháp tùng với anh em nhà văn. Bữa tiệc nhỏ được bày ra bên bờ con sông Tiền lộng gió, rượu thì ít mà ca vọng cổ và múa lâm thôn thì nhiều. Nhà văn Anh Đào, ông Lương Chí Việt, nhà thơ Song Hảo, nhà thơ Lê Chí, ông Sáu Thạnh, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài… múa lâm thôn như một người Khmer "thứ thiệt". Múa không được nhà văn Ngô Khắc Tài "tức quá" bèn hát bài "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của cố nhạc sĩ Nguyễn Bắc Sơn theo giai điệu Tây Nguyên, giống như ca sĩ Suilk Black, khiến nhiều người cười ngả nghiêng, thích thú trước giọng hát "trời cho đột xuất" của anh; đó là những nụ cười ấm áp tình đồng nghiệp trong ngọn gió phóng khoáng phương nam.

 

V.H lược ghi - Ảnh: Mai Bửu Minh

 

Trần minh Trương - Vũ Hồng - SCL
Tin tức khác