Những ai đã tới hang Phong Nha hồi năm 1990, khi mới đưa vào khai thác du lịch, quả là người may mắn. Kể từ ngày ấy, Phong Nha trở thành tài nguyên “xóa đói giảm nghèo” cho vùng. Nhưng sắc diện hang không còn mát mắt như xưa. Những bức ảnh so sánh cho thấy rõ tương quan giữa khối nhũ còn tươi mới năm 1990 và khi đã khô đi chỉ còn đơn sắc sau 20 năm khai thác du lịch. Trong những bức hình khác, nhũ đá rêu phong sau khi liên tục bị chiếu đèn. “Hoạt động du lịch hiện nay của Phong Nha - Kẻ Bàng cũng có tác động không nhỏ tới các hang động nơi đây”, nhóm nghiên cứu gồm 2 nhà nghiên cứu Anh, 4 nhà nghiên cứu địa lý Việt Nam cho biết tại Hội nghị Việt Nam học 4 vừa kết thúc tại Hà Nội.
“Việc sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng đã và đang làm cho nhiều khối nhũ không còn tươi mới, xuất hiện hiện tượng khô và trên các khối thạch nhũ”, GS-TSKH Nguyễn Quang Mỹ, ĐH KHTN Hà Nội, cho biết. “Cũng do sự tác động trực tiếp của du khách tới phần nền hang nên dẫn tới sự bong tróc nền hang ở các hang hóa thạch hay là mất đi vẻ tơi xốp tự nhiên của các bãi cát ngầm trong hang… Một số các bài trí hay vật dụng trong hang không hợp lý cũng làm mất mỹ quan và dáng vẻ tự nhiên, hoang sơ của chúng”.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, lịch sử phát triển trên 500 triệu năm của tự nhiên đọng lại ở Phong Nha - Kẻ Bàng cần được gìn giữ khoa học hơn. Có vậy, hệ thống trên mặt và các hệ thống hang động ngầm vĩ đại, sự đa dạng sinh học đã tạo nên giá trị và tầm cỡ của Phong Nha - Kẻ Bàng mới còn nguyên vẹn. “Cần quản lý một cách đồng bộ với môi trường vùng karst của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng”, TS Howard Limbert, Hội Hang động Hoàng gia Anh nêu quan điểm.
Sự đồng bộ này được hiểu là phải giảm thiểu tác động lên môi trường và cảnh quan hang. Chúng bao gồm: hạn chế tác động trực tiếp lên thạch nhũ, nền hang, chú ý kỹ thuật khoan, thiết kế đường cách không bằng gỗ/xi măng giả gỗ, giảm năng lượng của đèn chiếu sáng…
Để tạo sự hài hòa với cảnh quan của hang, nhóm nghiên cứu đề nghị hạn chế sử dụng các vật liệu nhân tạo, tạo dáng tự nhiên cho các vật dụng, không nên sử dụng ánh sáng nhiều màu lòe loẹt.
Các nhà khoa học cũng nhắc nhở phải chú ý đến sự an toàn của du khách. Việc quan trắc các khí có ảnh hưởng tới sức khỏe O2, CO2, SO2, H2S cần được thực hiện, từ đó đưa ra khuyến cáo số lượng khách. Việc quan trắc sẽ cảnh báo kịp thời các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sụt/sập đổ.
Đóng cửa để phục hồi
PGS-TS Vũ Văn Phái, ĐH KHTN, cho biết: “Khai thác hang động sẽ mang lại lợi ích kinh tế, nhưng nếu không cân nhắc kỹ và có sự quản lý phù hợp sẽ làm tổn hại, mất đi những giá trị khác lớn hơn gấp nhiều lần. Bởi vậy trước khi quyết định có khai thác hay không cần phải có nghiên cứu tổng thể, nghiên cứu chi tiết về hang động (địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, nguy cơ tai biến môi trường)”.
Theo khuyến cáo tại Hội nghị Việt Nam học 4, phần hang khô của Phong Nha có thể bị tổn hại do số lượng khách tham quan khá lớn. Vì thế, theo các nhà khoa học, không nên sử dụng đèn chiếu sáng vì sẽ làm kích thích sự phát triển của rêu. Như vậy, cần có kế hoạch sửa chữa thiệt hại và thay đổi ánh sáng cho các hang này. Cần có hệ thống đèn LED chiếu sáng và đánh dấu đường đi trong hang cho du lịch mạo hiểm để tránh tác động tới hang.
Các đường lót ở hang Thiên Đường và hang Tối cũng cần thiết kế và sửa chữa lại để tránh làm hỏng nền hang. Ngoài ra, một số vị trí đường lót ván bị hỏng do lũ năm 2010 cũng cần được sửa chữa sớm.
Đặc biệt, theo các nhà khoa học: “Về vấn đề sự khôi phục môi trường tự nhiên của hang, chúng ta cần tính đến phương án đóng cửa hang định kỳ để cho môi trường tự nhiên trong hang tự hồi phục trở lại”.
Được phát triển trên một khối đá vôi có tuổi từ Devon muộn (377 triệu năm) đến kỷ Permi (250 triệu năm), Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành hệ thống hang động đồ sộ, kỳ vĩ. Đa dạng sinh học trong khu vực này cũng rất đáng kể. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, điều hút khách nhất chính là hệ thống hang động ngầm vĩ đại. Đo vẽ cho thấy hệ thống hang có tổng chiều dài đạt tới 163,3 km. Hầu hết hang ở đây đều là hang sông, kết nối với nhau tạo thành 3 hệ thống chính là hệ thống hang Phong Nha, hệ thống hang Vòm, hệ thống hang Nước Mọc.
|