Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
672
123.243.229

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Kịch bản lễ hội văn hoá du lịch
Gần đây nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động lễ hội văn hoá, du lịch. Mục đích để tôn vinh, quảng bá hình ảnh, vị thế, tiềm năng của địa phương mình là rất đáng trân trọng, song đáng buồn là cách thức thể hiện lại quá giống nhau...

Các lễ hội văn hoá, du lịch mà đã trở nên nhàm đến mức gần như ai cũng "thuộc". Đại loại là sau bài phát biểu của vị lãnh đạo đại diện cho địa phương là màn diễn  "tái hiện lịch sử", rồi đạo diễn thể hiện câu chuyện sân khấu cùng màn múa minh hoạ với những anh hùng địa phương đến anh hùng dân tộc và tiếp theo là hai cuộc kháng chiến và sau đó là thời kỳ hiện tại với khí thế vươn lên xây dựng quê hương...

 

Thực ra môtíp này không phải là không có những ưu điểm nhưng nếu lặp đi lặp lại tại tất cả các lễ hội thì thật khó chấp nhận. Trong năm 2004 đã có tới 11 chương trình được thể hiện na ná giống nhau. Một đạo diễn (xin không nêu tên) từng tham gia dàn dựng chương trình lễ hội cho biết: "Thực ra chúng tôi cũng không phải là thích và nghèo nàn ý tưởng nhưng chính các vị lãnh đạo địa phương muốn như vậy. Chúng tôi phải lấy dung lượng phát sóng của đài truyền hình ra khống chế chứ nếu không họ còn đề nghị làm "dày" thêm nữa...".

Theo chúng tôi, đó cũng chỉ là cách giải thích của những người làm chương trình. Chương trình nào cũng được tổ chức khá tốn kém từ vài trăm triệu đến hơn cả tỉ đồng và tất nhiên phải dành vài trăm triệu cho phần viết kịch bản và đạo diễn dàn dựng. Và không lẽ các nhà đạo diễn, kịch bản nhận tiền thù lao chỉ để thể hiện theo ý các vị lãnh đạo địa phương? Vấn đề là phải tạo nên những kịch bản mới, cách thể hiện lạ mang lại sự đa dạng trong từng lễ hội.

 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Đỗ Kim Thịnh -  Phó Cục trưởng Cục VHTT cơ sở (Bộ VHTT) đã phàn nàn: "YÁ tưởng tổ chức lễ hội văn hoá du lịch của các địa phương là cách làm hay nhưng vấn đề thể hiện  quá giống nhau. Giống tới mức nhiều người cảm thấy hình như kịch bản, môtíp thể hiện của tỉnh này đã được bê nguyên sang tỉnh khác vậy... Với chức năng quản lý của mình Cục VHTT cơ sở  đã góp ý với nhiều địa phương nhưng chưa mấy kết quả".

 

Là người từng có nhiều ý kiến về chuyện này, nhà văn Ngô Thảo (nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu VN) nói: "Hiện nay đang hình thành  những êkíp chuyên tổ chức và làm dịch vụ cho các hoạt động này và ngón nghề chủ yếu là làm sân khấu hoá lịch sử. Theo tôi là phải sáng tạo, phải làm ra những hình thức mới để mang dấu ấn thời đại hiện nay chứ không phải chỉ mô phỏng lại lịch sử. Trước hết các địa phương nên chủ động chứ không nên dựa vào "cơ cấu" quen biết hoặc vì một vài chức tước, danh hiệu mà uỷ thác cho một nhóm người thể hiện theo lối mòn như hiện nay".

 

Trong năm 2004 đã có 3 địa phương không thuê đạo diễn và người viết kịch bản nữa vì họ thấy quá dễ "sáng tác" như cách vẫn làm. Phản ứng của một số địa phương là tất yếu, song điều này càng làm mất dần đi sự hào hứng của công chúng đối với việc đón nhận và theo dõi các lễ hội văn hoá du lịch tại các địa phương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều tiền của bỏ ra nhưng chẳng mang lại hiệu quả là bao.

 

Nguyễn Minh Ngọc - laodong