Với thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, 2 năm qua là hơn 600 ngày làm lại cuộc sống đánh B52 của 40 năm trước. Những hình ảnh về từng kỷ vật được ông hồi tưởng là nền tư liệu để Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phục hồi căn hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu. “Căn hầm chịu được bom tấn và cả bom hóa học để bảo vệ đầu não”, thiếu tướng Ninh nói.
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng B52 cũng là dịp căn hầm được khánh thành sau khi được tu bổ phục hồi. Được xây dựng ngay từ những ngày đầu Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 1, Hầm Chỉ huy tác chiến đóng vai trò trung tâm chỉ huy, dẫn tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có câu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, Táo bạo táo bạo hơn nữa” cũng được phát ra từ đây. Đặc biệt, vai trò chỉ huy từ căn hầm trong những ngày đánh trả B52 rất rõ”, đại tá Nguyễn Thành Hữu, cán bộ nghiên cứu lịch sử của Bộ Tổng tham mưu cho biết.
“Chúng tôi đã cung cấp cho trung tâm tư liệu ảnh từ xưa khi xây dựng hầm này. Tư liệu của Bộ Quốc phòng cho biết rất cụ thể, hầm dày bao nhiêu, kết cấu ra sao. Cabin, máy điện thoại, bản đồ phải phục dựng trên tồn lưu”, ông Hữu nói.
Căn hầm này thuộc phạm vi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới. “Việc khánh thành và mở cửa tham quan di tích hầm rất quan trọng. Nó khẳng định hơn việc tiếp nối của lịch sử tại khu trung tâm này”, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nói. Quan trọng hơn, mở cửa hầm cũng là cách cơ quan quản lý tạo mối liên kết giữa di sản và cộng đồng.
Hầm Cục tác chiến có diện tích 64 m2, được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối, nóc hầm nhô lên khỏi mặt đất dày 1,5 m và chia làm 3 lớp. Lớp giữa đổ cát dày nửa mét chống được sức công phá của bom nguyên tử và vũ khí hóa học, vi trùng. Cửa hầm bằng thép tấm, 2 lớp, chống được sức ép nguyên tử và tia phóng xạ cũng như hơi độc. Trong hầm có hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ.
Cùng với các di tích quân sự khác như Nhà và Hầm D67 của Quân ủy trung ương - Bộ Tổng tư lệnh, Hầm C52 Cục Quân báo, Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu nằm trong cụm công trình quốc phòng (1965 -1975) được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.
Chú thích ảnh: Trưởng đại diện của UNESCO tại Hà Nội, bà Katherine Muller-Marin xem bản đồ để xác định tọa độ đánh B52 trong hầm chỉ huy - Ảnh: Trinh Nguyễn