Mới gặp nhà điêu khắc Trần Tuy tại Trại điêu khắc quốc tế Việt Trì, đã thấy ông lo lắng ra mặt: "Trời, thời gian sao gấp gáp quá vậy".
Quả là rất gấp. Khai mạc trại từ ngày 12 nhưng đến 14-3 các nhà điêu khắc mới bắt tay vào việc. Thời gian không còn nhiều nhặn gì, từ ngày 13 đến 16-4 đã phải hoàn thiện tác phẩm và tiến hành trưng bày. Đến hôm nay đã hơn chục ngày trôi qua, nhưng công việc của người sáng tác xem ra vẫn còn "dậm chân tại chỗ".
Đã thế, hình như ông Trời dáng chừng còn muốn bày đặt thử thách họ. Mấy ngày liền, mây vần vũ trên bầu trời, mưa cứ rầm rì rơi, nhìn mà sốt cả ruột. Không có một tia sáng mặt trời le lói. Nền trại ướt lép nhép, đất được tưới mưa tạo thành lớp bùn lỏng trơn trượt.
Tương lai chỗ này sẽ thành công viên Văn Lang đẹp đẽ và các tác phẩm sẽ được trưng bày yên vị ở đây, còn bây giờ đang là khoảnh đất rộng mênh mông có tên Lăng Cẩm. 1,5ha diện tích "lộ thiên" giữa thanh thiên bạch nhật được dùng làm địa điểm trại, nơi các nghệ sĩ được thả sức "thăng hoa".
Nhưng phải công nhận, sức sáng tạo của các nghệ sĩ, tay nghề của những người thợ không hề bị thói đỏng đảnh của ông Trời làm gián đoạn. Bước chân vào cổng trại đã thấy ồn lên tiếng đục chí chát. Khách tham quan đi không cẩn thận dễ bị những mảnh đá nhỏ xíu văng vào người.
Các tay thợ ngồi vắt vẻo trên những tảng đá to tướng, say sưa vào việc. Một số tảng đá còn nguyên xi chưa được tay người đụng tới. Một vài vị chủ nhân của những ý tưởng nghệ thuật thì đi lại đăm chiêu. Ba nhà điêu khắc nước ngoài béo tròn, trông phúc hậu như ông già Noel, giơ tay cười vui vẻ với đồng sự Việt Nam.
Cần mẫn phục vụ cho con người là những chú bò bình thản kéo từng xe gỗ bạch đàn vào trại để làm giàn giáo. Chung quanh, đá ngổn ngang như "thạch lâm", tuyền một mầu trắng thanh khiết của loại đá Manbô chở từ mỏ Lục Yên (Yên Bái). Nghe đâu, ngót nghét 200 tấn đá dành cho hơn ba chục nghệ sĩ trổ tài. Các tảng đá vô tri đều đã có chủ. Tảng đề tên Vũ Lợi, các tảng khác đề Phan Hùng, Nguyễn Phú Văn... Tùy theo yêu cầu của tác giả, có tảng to tảng bé, trong đó tảng lớn nhất cũng phải 7-8 tấn.
Hôm nay trông các khối đá trắng còn lạnh lùng vô cảm, nhưng chỉ sau một tháng bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ sẽ biến chúng thành những tác phẩm sống động, đầy ý nghĩa: Tình yêu, Mẫu tử, Trời tròn đất vuông, Vua Hùng, Vương miện ngàn năm...
Lúc này khó mà gặp được tất cả anh em họa sĩ. Nghe nói, một số người đang đi tìm cảm hứng nghệ thuật ở tận các xã. Hai nhà điêu khắc Na Uy hình như sợ mưa phùn xứ Bắc Việt nên ở lại trại sáng tác Đà Nẵng, đến hạn nộp mới đưa tác phẩm từ miền trung ra Phú Thọ bằng đường sắt. Một số người đang có mặt nơi đây thì đều trong cảnh sùm sụp áo đi mưa, tuy nhiên khí thế có vẻ đang bốc lên "ngùn ngụt".
Họa sĩ Trần Tuy, cũng một áo đi mưa mỏng sùm sụp như thế, trở lại câu chuyện dang dở: "Theo tôi, các phác thảo đều bám sát thời đại Hùng Vương, thí dụ như hai chân dung Vua Hùng, tượng Mẹ Âu Cơ, bọc trứng Âu Cơ, tượng Mỵ Nương, Hướng về đất tổ, Trống đồng, Vuông tròn... Cùng một đề tài Cội nguồn nhưng do hai tác giả Phạm Hồng (Đà Nẵng) và Hồng Hạnh (Hà Nội) lại thể hiện theo hai phong cách khác nhau".
Theo Ban tổ chức, chủ đề sáng tác là "Ấn tượng đất tổ Hùng Vương năm 2005" nhưng các đề tài không chỉ gói gọn trong các giá trị văn hóa đặc sắc của thời đại Hùng Vương mà có thể mở rộng hơn, phong phú hơn, mang tính nhân văn sâu sắc như Tình yêu cuộc sống, sự vươn tới Chân - Thiện - Mỹ. Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi xen lẫn nội dung phản ánh về đất Tổ, có những đề tài mang tính đương đại như Mầm sống, Hoa, Tuổi thanh xuân...
Phác thảo của nhóm họa sĩ nước ngoài cũng rất phong phú về thể loại, như Cánh chim thương tích của I Di Lio' (Cuba), Nữ thần trên băng của Stocbaekhen O Yin (Na Uy), Hữu nghị và hạnh phúc của Joel Ben Nett (Hoa Kỳ).
Đánh giá chung của những người làm nghệ thuật: "Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Sở VH-TT chuẩn bị cơ sở sáng tác rất chu đáo, bố trí nơi ăn chốn ở đàng hoàng cho cả thầy cả thợ. Địa điểm làm việc rất rộng rãi lại còn xây cả cổng chào. Qua đó chứng tỏ tỉnh có thái độ trọng thị đối với công việc của chúng tôi".
Ông Trần Văn Quang, Trưởng phòng quản lý nghiệp vụ văn hóa - Sở VH-TT Phú Thọ, cũng cho hay, tỉnh đã bố trí nơi ăn nghỉ ở mức cao nhất có thể cho các họa sĩ tại khách sạn Sông Lô, gần trại sáng tác và nơi nghỉ cho 62 thợ (mỗi họa sĩ có hai thợ giúp việc sáng tác). Các họa sĩ nước ngoài đến từ Na Uy, Hà Lan, Cuba, Hoa Kỳ, Vương quốc Bỉ được ưu tiên ở khách sạn nhiều "sao" hơn. Tóm lại là tạo mọi điều kiện tốt nhất để các họa sĩ không bị ngắt quãng nguồn cảm hứng sáng tạo.
Ai cũng mong muốn đến ngày "khai hoa", sẽ cho ra những "đứa con" ưng ý nhất dâng lên các Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ, từ 6 đến 10-3 Ất Dậu.