Đã 2 năm trôi qua kể từ khi khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới, những phát hiện khảo cổ, nghiên cứu phục dựng tại khu di tích cũng như nghiên cứu di sản phi vật thể cứ dày lên. Trong những ngày tháng 12, ngay sau khi đưa hầm chỉ huy của Cục Tác chiến vào tham quan, đường nước khổng lồ thời Lý đã được tìm thấy. Trong lòng “đại di sản”, khách tham quan có thể được ngắm nhiều “tiểu di sản” quý giá trải theo ngàn năm lịch sử. “Tôi nghĩ khách tham quan thành cổ trong khoảng thời gian này là những người có cơ duyên lớn”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nói.
Rất có thể đường nước này sẽ được lấp để bảo tồn, khách tham quan thành cổ dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. Đương nhiên, việc khách tham quan đến đây cũng làm phát sinh nhu cầu quà tặng. Vẫn biết Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trong suốt 2 năm qua luôn bộn bề với nhiều vấn đề chuyên môn, song việc chưa có được bộ quà lưu niệm cho du khách cũng là điều đáng tiếc.
Còn nhớ, vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, một bộ kỷ vật hình rồng thời Lý đã được đúc cũng chính tại thành cổ này để làm quà tặng cho quan khách. Công ty được giao thực hiện những sản phẩm này đã nhập 2.000 viên ruby để gắn mắt cho rồng. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, hình rồng thời Lý này đã nhận không ít phản hồi không tích cực. Lý do rất đơn giản, nó không có những đặc trưng rồng thời Lý. Trong đó thấy rõ nhất là không có những uốn khúc hình “miệng túi” theo “bí kíp nhận diện” của nhà khảo cổ học, GS Hoàng Văn Khoán. Chính vì thế, đại lễ qua đi cũng là lúc hình rồng này không tiếp tục được đúc để khai thác.
Tháng 11 vừa qua, một cố gắng khác để có kỷ vật nghìn năm cũng vừa được giới thiệu. Trong lễ “chạm ngõ” tại Thành cổ Hà Nội, một công ty đã trưng bày các mẫu vật lưu niệm được tạo tác trên cơ sở các mẫu vật tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long. Nhờ đó, các vật lưu niệm này có tỷ lệ hợp lý hơn kỷ vật rồng thời Lý hồi đại lễ. Tuy nhiên, màu sắc được chọn lại vô cùng kỳ dị nếu so với bản gốc. “Hiện vật gốc là những vật liệu kiến trúc, vật liệu xây dựng bằng đất nung. Trong khi đó, bản lưu niệm lại sử dụng màu vàng óng ánh. Những đầu rồng, phượng điểm mắt đỏ hoàn toàn xa lạ”, một TS khảo cổ học đánh giá. TS Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết chắc chắn trung tâm của ông sẽ không sử dụng bộ sản phẩm này, hay mua bộ sản phẩm này để bán cho khách du lịch.
“Hoàn toàn có thể thiết kế mẫu quà tặng dựa trên những di vật tại Hoàng thành Thăng Long”, TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói. Trên thực tế, tại làng gốm Bát Tràng, từng có những mẫu đầu rồng, phượng dựa trên mẫu vật của Hoàng thành được bán và bán khá chạy.
Nguồn tin từ Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết đã có văn bản đồng ý cho phép bán vé tham quan Thành cổ Hà Nội - một bộ phận của di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Mặc dù việc bán vé này chắc chắn chưa được thực hiện cho tới hết quý 1/2013, song con đường hút khách du lịch đã manh nha hình thành. Chính vì thế, cho dù đã có 2 năm “đại lợi” về di sản với những phát hiện mới, giải Ý tưởng vì tình yêu Hà Nội cho dự định phục dựng hội đèn Quảng Chiếu, trung tâm cũng nên mau chóng thiết kế bộ quà kỷ niệm mang đặc thù di sản mình quản lý.