Trong buổi họp báo sáng 3.1 tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), luật sư Phạm Thanh Thủy, Giám đốc khu vực phía bắc, cho biết VCPMC vừa có cuộc họp với đại diện MV Corp (đối tác duy nhất của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - RIAV về quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến) và 15 website âm nhạc thu phí tải nhạc trực tuyến.
Theo đó, sau gần hai tháng áp dụng thu phí tải nhạc trực tuyến (từ 1.11 - 26.12), số tiền thu được chỉ vỏn vẹn 17 triệu đồng. Đứng đầu danh sách trang web thu được nhiều nhất là Keeng.vn, sau đó mới đến Zing.vn và Nhaccuatui.vn. Luật sư Phạm Thu Thủy thẳng thắn, số tiền thu phí của tải nhạc trực tuyến “chưa phản ánh hết khả năng tiêu thụ sản phẩm nhạc số”. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo kết quả cuộc họp giữa VCPMC và các bên, một trong số các nguyên nhân là trục trặc trong kênh thanh toán. Hiện tại đang có 3 kênh: qua SMS, thẻ cào và Zing xu. Bên cạnh công cụ thanh toán chưa thuận lợi, thì các trang web còn đưa ra lý do thời gian vừa qua mới chỉ là thử nghiệm, thu tiền tải nhạc trực tuyến với một số album. Ngoài ra, do hiện tại vẫn còn rất nhiều trang web cho phép tải nhạc miễn phí. Vì thế, người nghe nhạc vẫn có thói quen lựa chọn những sản phẩm không mất tiền...
Những vấn đề còn tồn tại trong việc thu phí nhạc trực tuyến được các bên quyết tâm giải quyết trong thời gian tới. VCPMC, MV Corp và 15 trang web âm nhạc đang bàn bạc để điều chỉnh phí tải nhạc trực tuyến, cao hơn mức giá 1.000 đồng/lượt hiện tại. Và dự kiến từ tháng 6.2013 sẽ thu phí cả nghe nhạc online. Theo luật sư Phạm Thanh Thủy, phí tải và nghe nhạc cần chênh nhau 10 lần. Hiện mức phí này vẫn chưa được xác định, nhưng có thể là 1.000 đồng/lượt nghe, 10.000 - 15.000/lượt tải.
Phương án “bán nhạc online” liệu có khả thi trong vòng 6 tháng tới? Bởi ngay như việc thu phí tải nhạc trực tuyến còn tồn tại nhiều vấn đề vẫn chưa tìm thấy phương án giải quyết hợp lý. Và nếu chỉ có 15 trong tổng số 150 trang web âm nhạc thực thi thì liệu rằng sẽ có nhiều người lựa chọn phương án phải trả tiền với mức giá dự kiến không hề nhỏ không, các trang web nghiêm túc cũng sẽ phải cạnh tranh một cách không công bằng. “Chúng tôi đang dự kiến sẽ thuê phí nghe nhạc online theo phương thức thuê bao tháng, phí tải nhạc sẽ tính riêng. Mỗi website đều có bộ đếm số lần nghe một bài hát vì thế việc kiểm soát không khó. Người sử dụng chỉ cần trả theo phí thuê bao, sau đó muốn nghe bao nhiêu bài hát, bao nhiêu lần cũng được”, luật sư Phạm Thanh Thủy nói.
47 tỉ mới chỉ là 20%
Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã hoạt động được tròn 10 năm (2002-2012). Năm 2002, trung tâm mới chỉ thu được hơn 78 triệu đồng tiền bản quyền. Tới năm 2012, con số đó đã lên tới gần 47 tỉ. Tuy nhiên, bà Phạm Thanh Thủy cho rằng, số tiền này mới chỉ đạt 20% số phí tác quyền cần phải thu. Một trong những khó khăn của VCPMC là do việc cung cấp các thông số về tác phẩm, tác giả cho các tổ chức quốc tế chưa đầy đủ, nên hiện nay tiền tác quyền của các tác giả Việt Nam được trả từ các đơn vị bảo vệ bản quyền quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế.
|
Ý kiến
Mạo hiểm
Ngay trong giai đoạn thử nghiệm thu phí tải nhạc từ ngày 1.11, đã có nhiều việc bất cập. Trước hết là phương thức thanh toán. Hầu hết các trang nhạc tham gia đều không có phương thức trọn vẹn, nên mặc dù giá tải nhạc không cao nhưng lại gây khó khăn cho người dùng. Vì thế các trang nhạc và MV Corp đã hướng tới khả năng nghe nhạc trả phí, nhưng chúng tôi vẫn chưa có những quyết định cụ thể.
Nhưng đây sẽ là bước đi mạo hiểm vì rất có thể chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các trang web “lậu” cho nghe và tải nhạc miễn phí. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước nên can thiệp, ngăn chặn các trang web như vậy thì cuộc chơi của chúng tôi mới công bằng. Bởi ngay khi chúng tôi thử nghiệm thu phí tải nhạc, sức cạnh tranh đã giảm đi rõ rệt. Ông Trịnh Hoàng Tuấn (Trưởng phòng Sản phẩm nhạc.vui.vn)
Sẽ cân nhắc
Nếu trang web thu phí nghe nhạc thì có thể tôi sẽ cân nhắc lựa chọn kênh nghe nhạc khác. Bởi tôi vẫn thường nghe nhạc trên nhạc Zing.vn miễn phí các bài hát với chất lượng 128 kb. Tính phí mà với chất lượng như vậy tôi nghĩ không ổn. Nếu trang web này nâng chất lượng lên 320 kb và thu phí từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/tháng cho cả nghe và tải số lượng bài hát không hạn chế thì tôi sẽ cân nhắc tiếp tục lựa chọn. Trần Nguyễn Vũ (sinh viên Đại học Ngân hàng, TP.HCM)
|