Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
642
123.242.888

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tầng trệt thiên đường
Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Việt Nam Au rez-de-chaussée du paradis (Tầng trệt thiên đường) vừa được nhà xuất bản Philippe Picquier giới thiệu với bạn đọc Pháp đầu năm 2005 đã thành công - theo như tạp chí Télérama là “ngoài sức tưởng tượng”.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với dịch giả Đoàn Cầm Thi (ảnh) - tiến sĩ văn chương, giáo sư đại học tại Paris (Pháp) - người tuyển chọn và thực hiện tuyển tập trên xung quanh sự kiện này.

 

* Lần đầu tiên có một tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn trẻ VN được giới thiệu rộng rãi tới độc giả Pháp. Chị có thể cho biết từ đâu chị có ý định này?

 

- Dịch giả Đoàn Cầm Thi: Công việc chính của tôi là nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học VN đương đại. Nhưng từ năm 2002, tôi bị lôi cuốn bởi tác phẩm của những nhà văn trẻ. Bắt đầu là Phan Thị Vàng Anh, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà... sau đó là Phan Triều Hải, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Thuận... Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng bị lôi cuốn. Thêm nữa, nhiều người trong số họ toát lên nhu cầu trao đổi, tranh luận. Chứng tỏ họ ngày càng ý thức được hành động sáng tạo: viết là một nghề, một thái độ, một cách sống. Vì vậy tôi muốn giới thiệu họ với độc giả Pháp.

 

* Trong quá trình chọn tác giả và chuyển ngữ, chị đã gặp khó khăn, thuận lợi gì?

 

 

 

- Phải nói ngay rằng đây là một việc không dễ. Thứ nhất, phải tìm được nhà xuất bản chịu mạo hiểm với tôi. Vì vậy, khi nghe tôi đề nghị dịch văn học trẻ Việt Nam, ông Philippe Picquier - giám đốc NXB - hỏi tôi rất thẳng thắn, đầy ngờ vực: "Hãy nói cho tôi biết vì sao tôi phải in những nhà văn trẻ này?".

 

Thuận lợi là tôi tin vào cảm nhận của mình và tuyển tập Tầng trệt thiên đường đã thay câu trả lời. Kết quả thật bất ngờ, cuốn sách đang “lôi kéo” được khá đông công chúng Pháp và cộng đồng Pháp ngữ, điều đó có thể thấy qua phản hồi nồng nhiệt của báo chí.

 

* Cụ thể hơn, chị có thể cho biết công chúng Pháp đã đón nhận ra sao?

 

- Télérama, tờ tạp chí văn học nghệ thuật lớn nhất nước Pháp, mỗi số dày 160 trang, số lượng in 674.400 bản, viết: "Ở Pháp ít ai còn nói đến nước Việt Nam xa xôi, nhưng xứ sở này đang trở lại trong một hơi thở tươi mới, tuyệt vời, dưới dạng một tuyển tập văn học kể về những giấc mơ và những chấn thương của nó ngày hôm nay...".

 

Hiệu sách trên mạng Amazone xếp nó là cuốn bán chạy nhất trong tất cả các sách liên quan đến Việt Nam viết bằng tiếng Pháp. Độc giả, dù mỗi người một sở thích, đều có nhận xét: bằng những cách viết riêng, giọng điệu đa dạng, khả năng kể chuyện độc đáo, các tác phẩm đều hấp dẫn, đáng đọc, đáng suy ngẫm. Và quả là họ đang khám phá một Việt Nam hoàn toàn khác.

 

* Qua sự thành công của cuốn sách, chị có suy nghĩ như thế nào về tương quan văn học Việt Nam với thế giới ? Và thử thách lớn của các nhà văn trẻ hôm nay phải chăng là đưa văn học Việt Nam hòa nhịp với văn học thế giới?

 

- Văn học Việt ngày càng mới, cũng như dân Việt ngày càng trẻ. Gần đây xuất hiện trên văn đàn những cây bút, cả sáng tác lẫn phê bình, sinh ra vào thập niên 1970 và 1980, với những phiêu lưu và khát vọng. Và đó là dấu hiệu lạc quan ! Cũng như nhiều bạn đọc, tôi rất hy vọng!

tn - tno