GS-KTS Hoàng Đạo Kính vẫn nhớ những ngày cách đây hơn 20 năm, ông cùng cộng sự tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi đó, những dãy bia nối dài cứ dãi dầu mưa nắng mà không có bất cứ một biện pháp bảo vệ nào. Có tới vài phương án bảo tồn được đưa ra. Người muốn phủ hóa chất lên bia - phương pháp lúc đó được áp dụng tại Liên Xô (cũ). Người lại muốn dựng một nhà bia lớn phủ lên trên cả hai dãy bia. Sau này, phương án mà ông Kính phải cố rất nhiều để thực hiện là dựng 8 nhà che bia. Những dãy nhà này vừa hợp cảnh quan vừa giúp bảo vệ di sản.
“Văn Miếu đã có nhiều đợt tôn tạo, xây mới. Có đợt từ thời Lê, có đợt thời Nguyễn. Sau này, chúng ta cũng đã xây thêm nhà bia, nhà Thái học - hai hạng mục không có trong di tích gốc”, PGS-TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản nói. Cũng theo ông, nếu chiếu theo luật Di sản bây giờ, việc xây thêm hai hạng mục trên sẽ không thể thực hiện được. Trong khi, chính hai hạng mục đó đã phát huy giá trị bảo vệ, phát triển, sử dụng tại Văn Miếu rất rõ.
“Phần lớn các di tích ở Việt Nam vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là thiết chế phục vụ các hoạt động văn hóa, xã hội từ khi nó được tạo dựng cho đến hiện tại”, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói. Vì vậy, theo ông, tại di tích luôn xuất hiện những nhu cầu cải thiện, bổ sung những yếu tố cần thiết để đáp ứng. Cải thiện đó có thể là nhà che bia, hàng rào bảo vệ, nhà tiếp đón khách, lầu hóa vàng… Song cũng chính sự thay đổi đó làm xuất hiện nguy cơ biến dạng di tích.
GS Hoàng Đạo Kính rất bất bình chuyện mượn danh di sản làm kinh tế. Việc tôn tạo quá mức làm các di tích sau khi được tôn tạo hoàn toàn sai lạc tinh thần so với di tích gốc. Việc cứ có tiền là tự trùng tu theo ý muốn đã trở thành “phú nông hóa việc trùng tu” như ông Kính nói. “Chúng ta có thể thấy tay nghề của những hiệp thợ ở chùa Trăm Gian không tồi. Nhưng họ đã bất chấp pháp luật mà xâm hại di tích”, PGS-TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói.
Để vừa tránh trùng tu văng mạng, vừa có thể có những sáng tạo mới, theo GS Lưu Trần Tiêu, công tác trùng tu phải được chuyên nghiệp hóa: “Chúng ta cần có quy định chung về tôn tạo di tích. Bên cạnh đó cần triển khai cấp giấy chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề bảo tồn di tích. Cũng cần có thanh tra chuyên ngành để xử lý sai phạm ngay từ khi mới thi công tu bổ”.
Việc trùng tu Đấu trường La Mã (Roma, Ý) đã được thực hiện nhiều lần. Chuyện đi lại của khách tham quan tại đấu trường này được hỗ trợ bằng thang máy sau một đợt trùng tu. Thang máy được thiết kế với kiểu dáng khá phù hợp với những nếp vòm cuốn, những lối đi lại. Tại Việt Nam, cuộc trùng tu có bổ sung thêm cầu thang bộ cho di tích bức tường tại Thành cổ Hà Nội cũng từng gây tranh cãi khi được đưa ra thảo luận. Bên phản đối cho rằng điều này đã vi phạm tính chuẩn mực, tính nguyên gốc của di sản. Tuy nhiên, sau đó, thang bộ vẫn được bổ sung. Nhờ đó, khách tham quan có thể lên thăm bức tường thành, quan sát từ trên cao xuống. Di tích nhờ đó gần gũi hơn với người xe
|