Có thể nói đây là bộ phim tài liệu dài tập đầu tiên về nghệ thuật cải lương (trước đây cũng có vài tập phim về loại hình nghệ thuật này nhưng chỉ riêng lẻ một vài vấn đề). Qua bộ phim, các nhà làm phim đã tiếp cận với cải lương một cách có hệ thống, tập hợp phần lớn những khái quát về hành trình nghệ thuật của cải lương phía Nam từ khởi điểm đến thời kỳ cải lương phát triển hoàn chỉnh nhất (sau giải phóng một thời gian). Lúc này cải lương thống lĩnh, là loại hình sân khấu duy nhất lúc bấy giờ do có ba dòng hợp lưu, gồm: cải lương tại chỗ (của miền Nam), cải lương cách mạng từ chiến khu về và cải lương ngoài Bắc vào.
Tám tập phim được thể hiện theo trình tự vấn đề. Đặc biệt mỗi tập độc lập một chủ đề riêng nhưng vẫn theo mốc thời gian để khán giả dù không theo dõi liên tiếp nhưng vẫn nắm cụ thể diễn biến, thời điểm của từng vấn đề được đề cập như: Tập 1: Đờn ca tài tử; Tập 2: Dạ cổ hoài lang; Tập 3: Cải lương ra đời; Tập 4: Cải lương tâm lý xã hội; Tập 5: Cải lương đề tài cổ; Tập 6: Ái hữu nghệ sĩ; Tập 7: Từ giải Thanh Tâm đến giải Trần Hữu Trang; Tập 8: Gửi gắm tấm lòng yêu nước.
Bộ phim cũng đã tổng hợp nhiều tư liệu quí báu như hình ảnh các đĩa hát, chương trình cải lương từ những năm 1920 do nhạc sĩ Văn Đức, một người yêu cải lương sưu tầm hay những nhân chứng xưa nhất đã tiếp cận những giai đoạn lịch sử của cải lương từ khi hình thành như NSƯT Năm Vĩnh - người thầy đờn đã theo những gánh hát đầu tiên, nghệ sĩ tài hoa Phùng Há, Năm Phỉ, Kim Cương, Bạch Tuyết...
Chưa dám khẳng định đây là một biên niên sử về cải lương nhưng bộ phim đã phần nào khái quát cơ bản về loại hình nghệ thuật này. Nói như đạo diễn Huỳnh Ngọc Liên: “Chúng tôi muốn đem đến cho khán giả những tư liệu, hình ảnh khái quát nhất về một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Việt Nam. Kết cấu mở của bộ phim vẫn còn là một chặng đường dài để các nhà làm phim tiếp tục nghiên cứu, đi sâu như cải lương phía Bắc, cải lương đương đại...".