Đằm thắm như một phụ nữ Việt chính gốc trong tà áo dài truyền thống, Linh Rateau - người viết kịch bản cho chương trình múa Jazz! lần này chỉ bước ra sân khấu vỏn vẹn... hai phút, khi tấm màn nhung chuẩn bị khép lại. Sau lưng chị là hơn 20 vũ công trẻ, đầm đìa mồ hôi nhưng gương mặt rạng rỡ nụ cười, còn trước mặt Linh là hàng trăm khán giả - những người đã nán lại tới tận phút cuối để vỗ tay cho Jazz!.
Chị nói bằng tiếng Anh: “Cảm ơn rất nhiều vì các bạn đã đến đây cùng tôi. Các bạn hãy ủng hộ những người trẻ này bởi vì họ xứng đáng được nhận điều đó” và lặng lẽ nhường lại sân khấu cho những người trẻ “ăn mừng” đêm diễn đầu tiên thành công rực rỡ.
Hãy nhảy đi
Khi chưa xem Jazz!, người ta nghi ngờ về một trật tự kịch bản rối rắm, ngồn ngộn những dữ liệu lịch sử, những điệu nhảy chẳng mấy thông dụng tại VN... khó lòng mà thu hút người xem. Rồi sau khi xem xong, người này lại ngơ ngác hỏi người kia: “Sao chỉ có 60 phút vậy?”.
John Huy Trần vào khá ngọt vai chàng dẫn chuyện đào hoa - dù vốn tiếng Việt của anh lần này vẫn chưa có nhiều đất dụng võ. Mỗi khi John thong thả “Jazz là sự kết hợp các kỹ thuật ballet và năng lượng đậm chất châu Phi” thì trên sân khấu đèn spotlight lại chiếu thẳng vào vũ công đang thị phạm cho người xem cái “năng lượng đậm chất châu Phi” đó là gì.
Cảm giác thật chẳng khác gì người xem đang ngồi trước một chiếc tivi cổ đen trắng và thưởng thức một điệu múa jazz đặc sắc trên nền nhạc dập dìu, gợi cảm của những năm 1920. Trong khi đó, jazz trên sân khấu Broadway lại hừng hực với những cô đào má thắm môi đỏ, lấp lánh trong những bộ sequin nhiều tầng, di chuyển những bước thật nhanh, thật dứt khoát nhưng cũng không kém phần quyến rũ và dí dỏm. Càng về sau jazz càng là sự tổng hòa của nhiều thể loại và nền văn hóa khác nhau khi kết hợp với ballet, swing, tap... để cho ra đời những điệu nhảy đặc trưng không lẫn lộn. Khi dừng chân tại Việt Nam, jazz khoác lên mình chiếc áo bụi bặm của văn hóa đường phố, khi hip-hop đang là trào lưu dẫn đầu những năm trước đây, rồi lại nhẹ nhàng da diết khi phối cùng ballad trong những bản nhạc tình nồng nàn.
Khán giả chắc chắn sẽ không quên giây phút Hồng Nhung và Quang Đăng phiêu hết cỡ trên nền nhạc của Lại gần hôn anh, nghe lại ca khúc Memory của nữ danh ca Barbra Streisand với vũ điệu mèo trứ danh, đại diện cho dòng nhạc kịch của thập kỷ 1980 rồi “nổ tung” với Just dance (Hãy nhảy đi! - Lady Gaga), I like to move it... của dòng hiện đại.
Phần đông khán giả đến với chương trình đều là những người trẻ. Họ yêu thích sự phóng khoáng của những điệu nhảy, tò mò về jazz và mong muốn được nghe kể về một câu chuyện họ chưa từng biết bằng ngôn ngữ cơ thể. Và Jazz! có lẽ đã làm thỏa lòng mong mỏi đó!
Một tinh thần rất Jazz!
Linh Rateau có mẹ là người Pháp, cha người Việt. Chị học múa từ nhỏ và từng tốt nghiệp Centre International de la Danse Jazz (trường nghệ thuật múa jazz quốc tế tại Paris). Về Việt Nam với ước vọng được mang jazz - đam mê lớn nhất của đời mình - chia sẻ với những ai quan tâm, yêu thích.
Những năm đầu tiên khi Dancenter chưa ra đời, Linh chỉ là một cô giáo dạy nhảy jazz tại Cung văn hóa Lao động. Nhưng 15 năm đến với jazz như một “người bạn đời” chung thủy, tình yêu đó chưa bao giờ bị lung lay. Ngay cả với show Jazz! lần này chị cũng nói: “Câu chuyện của Jazz! chỉ là một cái nhìn sơ lược về lịch sử múa jazz, vì nếu muốn kể tường tận về jazz thì chắc sẽ mất cả đêm! Việc lựa chọn chi tiết nào để đưa vào, chi tiết nào không là một công việc quá khó khăn và chắc chúng tôi phải hẹn một dịp khác để nói nhiều hơn”.
Nhưng Linh không lẻ loi trong hành trình đam mê của mình khi chị gặp được những cộng sự ăn ý mà John Huy Trần là một ví dụ. Tuyệt nhiên không có một tấm huy chương hay giải thưởng trong nước, ngoài nước nào được John khoe để “bảo chứng” rằng anh là một vũ công rất tuyệt. Nhưng sau buổi trò chuyện với anh, suy nghĩ ấy cứ tự nhiên len lỏi hoặc thoáng lại khiến tâm trí người đối diện lóe lên hình ảnh của một chàng trai yêu nhảy, kiên trì và chăm chỉ một cách vô điều kiện.
John kể: “Khi học ở Canada, lúc vào trường tôi là đứa nhảy tệ nhất. Dù tập thế nào, chăm chỉ ra sao tôi vẫn không thể nào bằng các bạn cùng lớp. Vậy là vào các ngày cuối tuần, họ đến tận nhà lôi tôi đến phòng tập, chỉnh cho tôi từng động tác. Họ làm tôi biết ơn và thấy nỗ lực là điều cần thiết nhất với một vũ công. Cho đến giờ tôi vẫn... nhảy dở hơn họ, nhưng không sao, cái tinh thần ấy thì tôi đã thấm vào máu rồi”. Và trên “cái tinh thần” ấy, John gặp gỡ và làm việc cùng các vũ công Việt Nam - những người trẻ mà theo nhận xét của anh là “quá thông minh và nhanh nhẹn, nhưng cũng vì thế mà tỏ ra lười biếng luyện tập”.
“Tôi nhớ lại khoảng thời gian trước đây mình đã được chỉ dạy và giúp đỡ ra sao, tôi muốn chia sẻ lại điều đó với các bạn vũ công Việt, chỉ thế thôi. Tôi vẫn thường nói với các bạn, tôi không quan tâm mình có nhảy giỏi hơn người này người kia không, tôi chỉ quan tâm mình có nhảy giỏi hơn chính mình ngày hôm qua không...” - John nói như lời tự răn chính mình.
May mắn thay tinh thần ấy đã được một lớp vũ công trẻ như Vinh Hải, Quang Đăng, Huỳnh Mến, Hồng Nhung...kế thừa, và họ trở thành những tên tuổi đầu tiên được khán giả biết đến và yêu mến trong vai trò là một vũ công!
Nào, cháy cùng Jazz!
Jazz! còn hai suất diễn vào 19g30 ngày 16-3 và 15g30 ngày 17-3 tại Nhà văn hóa Thanh niên với giá vé tương đối dễ chịu: 150.000-350.000 đồng/vé. Khi được hỏi tại sao ba suất công diễn Jazz! thì chỉ có hai suất là diễn vào buổi tối, còn suất cuối lại diễn ra xế chiều, John Huy Trần cười lớn: “Thông thường ở nước ngoài trong những suất diễn cuối, người ta thường tổ chức vào xế chiều để sau khi diễn xong sẽ hồi hộp chờ đợi phản hồi của khán giả. Nếu khán giả dành nhiều tình cảm yêu mến cho show thì ngay lập tức họ sẽ biểu diễn thêm một suất nữa - vô cùng ngẫu hứng và không có trong kịch bản - vào đúng tối hôm đó. Chúng tôi cũng đang chờ đợi một bữa tiệc vui như thế, khi Jazz! được khán giả đón nhận với những tình cảm nồng nhiệt. Lúc ấy chỉ còn vũ công và khán giả “cháy” cùng nhau đến... giọt sức cuối cùng”.